Bạn thay đổi chế độ ăn, kiên cường tập luyện ngày qua ngày, và cuối cùng cũng thành công giảm được vài cân. Lúc này, bạn tự thưởng cho mình vài ngày "cheat day" nho nhỏ với trà sữa, lẩu, quà vặt... và từ đó thì cân nặng cứ vù vù tăng lên như chưa từng giảm.
Đây là câu chuyện mà ai đã từng giảm cân một lần đều đã trải qua. Và "thủ phạm" khiến chúng ta tăng cân chính là nồng độ leptin.
Có một sự thật là cơ thể bạn "yêu" mỡ hơn bạn nghĩ. Chức năng chính của chất béo là dự trữ năng lượng, đảm bảo hoạt động bình thường của một số chức năng quan trọng trong cơ thể... Chính vì vậy, sau khi giảm cân (giảm mỡ), não sẽ tự động khuyến khích cơ thể ăn nhiều hơn để lấy lại số mỡ này.
Leptin là hormone được tạo ra chủ yếu bởi các tế bào mỡ giúp điều chỉnh việc dự trữ chất béo bằng cách ức chế cảm giác đói. Như vậy, khi giảm các tế bào mỡ trong cơ thể, qua việc giảm cân, nồng độ leptin cũng trở nên thấp hơn khiến chúng ta luôn cảm thấy đói.
Giáo sư Randy Seeley tại trường đại học Michigan School of Medicine cho biết: "Không may, não bộ cho rằng việc này (việc nồng độ leptin thấp) là do bạn sắp chết đói". Nên kết quả là bạn sẽ cảm thấy đói hơn, đói thường xuyên hơn, thèm ăn hơn... dẫn đến việc ăn nhiều hơn và tăng cân.
Không chỉ vậy, nồng độ leptin thấp còn khiến cơ thể đốt cháy ít calories hơn bình thường, dẫn đến việc tập tành giảm cân ít có hiệu quả hơn.
Muốn không tăng cân do nồng độ leptin thấp thì cách đơn giản nhất chính là tìm cách làm tăng nồng độ này lên. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người thiếu ngủ có nồng độ leptin thấp hơn so với người bình thường, vì vậy họ thường có xu hướng nặng cân hơn. Chính vì vậy, hãy luôn đảm bảo mình ngủ đủ 6 – 8 tiếng mỗi ngày bạn nhé.
Chế độ ăn uống cũng giúp kiểm soát việc tăng cân do nồng độ leptin thấp. Một nghiên cứu tại Mỹ đã chỉ ra rằng, tiêu thụ thêm 15 – 30% protein sẽ giúp bạn cảm thấy no lâu hơn ngay cả khi nồng độ leptin ở mức thấp.
Ngoài việc bổ sung protein, nhấm nháp 1 – 2 ly trà xanh cũng giúp ích. Trà xanh chứa polyphenol giúp hạn chế tình trạng kháng leptin và phục hồi một số gen kiểm soát sự thèm ăn trong cơ thể.
Nguồn: Womenshealthmag