Thời tiết ngày càng lạnh hơn thì nên ăn gì để bổ dưỡng, tăng cường miễn dịch? Theo Y học cổ truyền Trung Quốc, có một "báu vật" được ví như "cục vàng" chôn trong lòng đất, không chỉ rẻ bèo mà còn giàu dinh dưỡng cần ăn thường xuyên vào mùa này. Đó chính là củ khoai tây.
1. Giàu vitamin giúp tăng cường miễn dịch, trì hoãn lão hóa cho làn da căng bóng
Hàm lượng vitamin trong khoai tây tương đương với các loại rau ăn lá, đặc biệt hàm lượng vitamin C và vitamin B rất đáng gờm. Theo USDA, cùng khối lượng so sánh, khoai tây có lượng vitamin C cao gấp 10 lần táo, vitamin B cao gấp 4 lần loại quả này.
Theo Healthline, vitamin C không chỉ giúp tăng cường miễn dịch mà còn là chất chống oxy hóa giúp tăng sinh collagen. Đây là thành phần không thể thiếu để sản xuất collagen cho làn da căng bóng. Nó có thể làm chậm quá trình lão hóa và tăng cường miễn dịch. Vitamin B có thể tăng cường trí nhớ và sự tập trung, đồng thời có những lợi ích nhất định trong việc ngăn ngừa bệnh Alzheimer.
2. Xây dựng cơ bắp, kéo dài tuổi thọ
Hàm lượng protein trong khoai tây khoảng 0,75%-4,6%, trong đó lysine đạt 93mg/100g và tryptophan cũng có 32mg/100g, là loại củ có hàm lượng dinh dưỡng rất cân đối.
Một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Chất Dinh Dưỡng cho thấy, những người tham gia tiêu thụ protein từ khoai tây sẽ sản xuất protein mới trong cơ bắp của họ với tốc độ nhanh hơn đáng kể. Sức mạnh cơ bắp của họ sẽ được tăng cường để trẻ khỏe thật lâu.
3. Kiểm soát tinh bột kháng, đường và chất béo
Khoai tây chứa một loại tinh bột kháng đặc biệt. Nó không chỉ tăng nhu động ruột, cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột mà còn giảm tổng hợp axit béo, sạch cholesterol, cản trở và làm chậm quá trình hấp thu đường.
Các chuyên gia tiết lộ, tinh bột kháng sẽ tăng lên hơn nữa trong khoai tây nếu được nấu chín, để nguội.
4. Kiểm soát huyết áp
Nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy, 100g khoai tây chứa tới 347mg kali, khiến chúng trở thành loại củ chứa nhiều kali nhất trong số hơn 20 loại rau, trái cây thường ăn. Nó có thể điều chỉnh cân bằng axit-bazơ, kiểm soát huyết áp còn bởi cực ít natri.
Ngoài ra, chất xơ dồi dào trong khoai tây giúp thư giãn các mạch máu ngoại biên nên thích hợp với người bị huyết áp cao.
Có rất nhiều cách chế biến khoai tây như khoai tây nướng phô mai, khoai tây chiên... Tuy nhiên, nếu muốn kiểm soát lượng đường và giảm cân, bạn cần chú ý:
Không nghiền, không tẩm bột, không chiên rán
Các phương pháp nấu ăn khác nhau có ảnh hưởng lớn đến chỉ số đường huyết của khoai tây. Ví dụ khi làm khoai tây nghiền, chỉ số đường huyết (giá trị GI) cao tới 87. Ngoài ra, bản thân khoai tây đặc biệt dễ thấm dầu. Sau khi chiên, lượng dầu thường vượt quá tiêu chuẩn, dễ làm tăng nguy cơ béo phì và sản sinh ra chất gây ung thư như acrylamide, rất có hại cho sức khỏe.
Cách nấu khoai tây được khuyên dùng nhất là hấp. Sau khi hấp, lượng vitamin C bị thất thoát rất ít, tỷ lệ giữ lại trên 80%, không mất đi carbohydrate, khoáng chất và chất xơ.
Không ăn với nhiều thực phẩm giàu tinh bột
Nhiều người có thói quen kết hợp khoai tây với bánh, cơm... Tuy nhiên, khoai tây có hàm lượng tinh bột cao. Sự kết hợp này tương đương với việc ăn 2 thực phẩm giàu tinh bột cùng một lúc nên dễ tăng cân. Vì vậy, khi ăn khoai tây, tốt nhất bạn nên giảm lượng thức ăn giàu bột.
Đó là khoai tây xanh, đã mọc mầm! Nếu khoai tây để lâu hoặc bảo quản không đúng cách sẽ nảy mầm, vỏ và thịt chuyển sang màu xanh, hàm lượng solanine trong khoai tây tăng lên đáng kể.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), solanine là một chất độc hại. Nuốt phải 2-5mg mỗi kg trọng lượng cơ thể có thể gây ngộ độc. Trường hợp nhẹ có thể xảy ra nôn mửa và tiêu chảy, trường hợp nặng có thể xảy ra hôn mê và tử vong.
Các phương pháp nấu ăn thông thường không thể tiêu diệt được chất này. Vì vậy khi thấy khoai tây còn xanh, đang mọc mầm thì tốt nhất bạn nên vứt bỏ