Đồ nướng là món ăn rất được lòng người Việt hiện nay. Bất kể mùa đông hay mùa hè, đồ nướng vẫn là món khoái khẩu để mọi người cùng nhau tụ tập mỗi cuối tuần. Mặc dù vậy, người Việt ăn đồ nướng tại nhà thường dễ mắc phải những lỗi sai làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, thậm chí là sản sinh chất gây ung thư.
1. Không làm sạch vỉ trước khi bật bếp nướng
Nếu không làm sạch vỉ trước khi bắt đầu nướng đồ ăn, những thứ như bụi bẩn, phân gián, chuột... có thể khiến bạn nghĩ thôi cũng thấy đau bụng, muốn nôn ói.
Do đó, sau khi làm nóng, hãy dùng bàn chải để chà sạch vỉ nướng, lau qua bằng dầu thực vật trước khi cho thức ăn vào. Ngoài việc loại bỏ những thứ không mong muốn, bôi dầu lên vỉ nướng giúp chống dính và tránh thay đổi mùi vị thức ăn.
2. Bỏ qua giai đoạn làm nóng bếp trước khi nướng thức ăn
Các chuyên gia khuyến cáo, hãy đảm bảo làm nóng bếp nướng trước khi cho đồ ăn vào. Với nướng than nên để bếp bắt đầu sau khoảng 5 phút, với bếp ga nên để sau 10-15 phút.
Điều này giúp loại bỏ mọi cặn thức ăn còn sót lại trên vỉ nướng, đồng thời giúp thức ăn hạn chế bị dính. Nó cũng đảm bảo vỉ nướng đủ nóng để nướng chín đều, chín kỹ thức ăn.
3. Bảo quản nguyên liệu không đúng cách trước khi nướng
Khi bảo quản thịt trong tủ lạnh , đừng xếp chồng các gói thịt lên nhau. Bạn nên xếp các gói thịt thành một lớp duy nhất ở tầng dưới cùng của tủ lạnh.
Đừng quên luôn bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh đến khi bạn sẵn sàng nướng. Đừng để thịt sống bên ngoài tủ lạnh, đặc biệt vào những ngày nắng nóng vì sẽ làm tăng sự phát triển của vi khuẩn.
4. Dùng chung thớt để thái thịt ướp nướng cũng như các loại rau củ, trái cây
Điều này làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo. Dùng một chiếc thớt để thái thịt lẫn rau củ quả trông cũng thực sự mất vệ sinh.
Tốt nhất, bạn nên đầu tư 2 chiếc thớt khác nhau, đánh dấu riêng để thực hiện cho mỗi loại thịt sống, thịt chín hay rau củ quả...
5. Dùng đồ gắp chung cho cả thịt nướng lẫn thịt sống
Lây nhiễm chéo là sai lầm rất phổ biến khi ăn đồ nướng. Dùng chung đồ kiểu này là nguyên nhân chính vì rất nhiều người quên.
Tốt nhất, ngay từ đầu, bạn nên có đồ đựng cũng như dụng cụ gắp thịt chín ra để riêng, tránh lây nhiễm chéo.
6. Đặt thịt sống lên vỉ nướng cạnh đồ ăn đã chín
Vì muốn đồ nướng nóng hổi, nhiều người không gắp ra ngay khi đã chín. Thay vào đó, bạn gom vào bên cạnh rồi tiếp tục cho đồ sống vào nướng. Điều này cũng làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo, trông món ăn thực sự rất mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thay vào đó, bạn có thể sử dụng giấy nhôm để giữ riêng biệt, cách xa thịt sống, tránh lây nhiễm chéo.
Theo PGS.TS Trần Đáng (Nguyên Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm), với đồ nướng nói chung, mỗi người chỉ nên ăn vừa phải, ăn cách quãng và có mức độ.
Sau khi ăn đồ nướng một lần thì nên nghỉ một tuần đến vài tuần để thải hết độc tố ra khỏi cơ thể.
Ngoài ra, tốt nhất nên ăn đồ nướng tại nhà với nguồn thực phẩm tươi sạch tự mình đi mua, tẩm ướp.
Khi nướng thịt cần đảm bảo các tiêu chí sau:
- Tránh để thịt tiếp xúc trực tiếp với ngọn lửa hoặc bề mặt kim loại nóng.
- Xoay trở thịt liên tục khi nướng.
- Bỏ phần mỡ khỏi thịt trước khi nướng.
- Gỡ bỏ phần cháy đen của thịt, không dùng phần nước chảy ra.
- Giữ vỉ nướng sạch dầu mỡ. Nếu khay nướng dính quá nhiều phần cháy đen từ những lần nướng trước, hãy làm sạch nó trước khi nướng.
Nếu không có điều kiện ăn đồ nướng tại nhà, trước khi ăn đồ nướng hãy lựa chọn nơi uy tín, được cấp phép vệ sinh an toàn thực phẩm đầy đủ để loại trừ những rủi ro không đáng có. Giới chuyên gia nhấn mạnh, dù là đồ nướng nào, ăn ở đâu cũng không nên ăn thường xuyên để sống khỏe mạnh.