Kết quả kiểm định cho thấy thuốc giảm cân bán tràn lan trên TikTok chứa 2 chất bị cấm tuyệt đối trong thực phẩm

HOÀNG ANH, Theo Trí thức trẻ 00:04 21/01/2021
Chia sẻ

Cuộc chiến chống lại thuốc giảm cân đang đi đến hồi gay cấn.

Trên Facebook cá nhân, VĐV, HLV thể hình, giảng viên y khoa Phan Bảo Long chia sẻ bản kết quả kiểm nghiệm 2 mẫu sản phẩm giảm cân mà anh gửi đến Trung tâm phân tích kỹ thuật Sài Gòn. Kết quả cho thấy cả 2 mẫu sản phẩm đều dương tính với 2 chất bị nghiêm cấm trong thực phẩm, đó là chất phenolphtalein và sibutramine.

Phenolphtalein là chất chỉ thị màu, thường dùng để đo độ pH. Phenolphtalein từng được sử dụng trong hơn một thế kỷ như thuốc nhuận tràng, nhưng hiện nay đã bị gỡ bỏ khỏi danh mục thuốc nhuận tràng vì những lo ngại về khả năng gây ung thư.

Theo bài viết trên trang biovietphap.vn của Công ty Cổ phần dược phẩm Bio Việt Pháp, sibutramine là một hoạt chất làm giảm cảm giác thèm ăn, một hoạt chất ức chế có tác động đến hệ thần kinh trung ương. Sibutramine làm tăng lượng sérotonine và noradrénaline trong não, ức chế trung khu điều khiển cảm giác thèm ăn ở vùng đồi dưới của não. Từ đó, tạo cho người dùng cảm giác no và không thèm ăn.

Ngoài ra, sibutramine còn có khả năng tác động lên các mô mỡ làm tăng phân hủy mỡ và do đó làm tăng mức tiêu hao năng lượng.

Hai mẫu kiểm định cho thấy sản phẩm giảm cân chứa phenolphtalein và sibutramine

Sibutramine từng được sử dụng rộng rãi, tuy nhiên, ở Ý xuất hiện 2 ca tử vong do tim mạch có liên quan tới sibutramine và chất này bị cấm bán từ năm 2002. Tại Pháp, sibutramine bị cấm bán từ năm 2007. Tại Singapore, thuốc cấm lưu hành từ tháng 10/2010.

Tiếp đó, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (AMEA), Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) và các cơ quan quản lý dược một số nước trên thế giới đã liệt kê sibutramine là chất cấm. Các cơ quan đưa ra khuyến cáo làm tăng nguy cơ tim mạch đối với các thuốc chứa hoạt chất này. Tại Việt Nam, sibutramine đã bị Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế cấm sử dụng theo công văn số 5149/QLD-CL ngày 14/4/2011 do có tác dụng không mong muốn.

VĐV, HLV và giảng viên y khoa Phan Bảo Long là người khởi phát cuộc chiến chống lại thuốc giảm cân. Những ngày qua, trên TikTok, anh bị nhiều người bán thuốc giảm cân duet clip (ghép đôi) để đe doạ, xỉa xói, thậm chí bóp méo sự thật về những sản phẩm cung cấp protein tinh khiết như whey protein. Tuy nhiên, VĐV Phan Bảo Long quyết không lùi bước và anh đang nhận được sự ủng hộ to lớn từ những người có hiểu biết. Ngay trong phần comment ở các video của người bán thuốc giảm cân, có thể thấy nhận thức của mọi người đã được nâng cao bởi đa phần comment đều nhằm lật tẩy sự độc hại của thuốc giảm cân.

Gửi sản phẩm giảm cân đến Trung tâm phân tích kỹ thuật Sài Gòn để kiểm nghiệm là bước đi mới nhất của Phan Bảo Long. Sắp tới, anh sẽ tiếp tục gửi sản phẩm của 1 nhãn hàng cực hot trên TikTok đi kiểm nghiệm.

Tác hại khôn lường từ Sibutramine

Tác hại lớn nhất mà sibutramine gây ra là ảnh hưởng đến hệ tim mạch. Chất này có thể làm tăng nhịp tim hoặc tăng huyết áp. Cơ quan quản lý Dược phẩm châu Âu, Mỹ và một số nước khuyến cáo về khả năng làm tăng nguy cơ tim mạch.

Sibutramine đặc biệt nguy hiểm đối với người có tiền sử bệnh tim mạch và cao huyết áp.

Sibutramine đã bị Cục Quản lý Dược Bộ Y tế cấm sử dụng theo công văn số 5149/QLD-CL ngày 14/4/2011 do có tác dụng không mong muốn.

Sibutramine làm tăng đáng kể huyết áp hoặc nhịp tim ở một số bệnh nhân và có thể gây nguy cơ đáng kể cho bệnh nhân có tiền sử bệnh động mạch vành, suy tim sung huyết, loạn nhịp tim hoặc đột quỵ. Sản phẩm này cũng có thể gây tương tác bất lợi cho cơ thể, có thể đe dọa tính mạng.

Ngoài ra, sibutramine còn có nguy cơ gây tự tử. Các tác dụng không mong muốn của sibutramine đã được viết lại thành một danh sách dài trên trang web của chính phủ Mỹ NIH và AFSSAPS Pháp.

Nguồn: biovietphap.vn

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày