Ngày Tết ăn uống triền miên, bác sĩ nêu 6 'mẹo vàng' cần ghi nhớ để đảm bảo sức khỏe

BS. Hà Xuân Nam, Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị 15:57 15/02/2021

Bác sĩ Hà Xuân Nam chỉ ra 6 lưu ý khi ăn uống ngày Tết mà người bệnh cần nhớ.

Vào mỗi dịp Tết, nhu cầu ăn uống tăng lên, nhà nhà người người đều tất bật chuẩn bị sao cho có đầy đủ món ăn đón tết. Bên cạnh đó, theo phong tục của người Việt, rất nhiều bữa tiệc được tổ chức (tất niên, minh niên). Trong khi người khoẻ mạnh có thể không hoặc ít bị ảnh hưởng bởi những xáo trộn này thì người cao tuổi, hoặc có bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, gout, ung thư, chế độ ăn cần có những thay đổi so với người bình thường.

Không nên ăn quá nhiều hoặc quá ít

Người bệnh hoàn toàn có thể ăn những gì mà họ muốn, tuy nhiên hãy cố gắng đảm bảo ăn 3 bữa một ngày, đầy đủ dinh dưỡng và tránh những thực phẩm được khuyến cáo từ bác sĩ và nhân viên y tế.

Ngày Tết ăn uống triền miên, bác sĩ nêu 6 mẹo vàng cần ghi nhớ để đảm bảo sức khỏe - Ảnh 1.

Mâm cỗ tết truyền thống thường rất thịnh soạn, nhiều món ngon hấp dẫn nên khó thể chối từ. Ảnh: Đỗ Bích Ngọc.

Nhiều gia đình để dành thời gian cho việc chúc tết nên có thói quen nấu hay mua thức ăn sẵn cho nhiều ngày (thịt kho, thịt dầm, dưa món, dưa muối, bánh chưng…), các thức ăn cứ lặp đi lặp lại gây ra cảm giác chán ăn. Người bệnh đôi khi gặp phải tình huống này dẫn đến ăn ít và không đảm bảo dinh dưỡng. Các gia đình có người bệnh hay người già nên chú ý trong việc đa dạng hóa các món ăn trong ngày tết.

Ngoài ra, đối với người bệnh ung thư, ăn nhiều hay ăn ít trong dịp tết có thể dẫn đến tình trạng tăng cân hoặc sụt cân, qua đó có thể ảnh hưởng đến liệu trình điều trị sau này.

Lưu ý về thực phẩm chế biến sẵn ngày tết

Mọi người thường quan niệm tết là thời gian để nghỉ ngơi và hạn chế các hoạt động thường ngày kể cả việc nấu ăn. Do đó, các thực phẩm chế biến sẵn thường được tiêu thụ rất nhiều. Chúng bao gồm chả lụa, xúc xích, lạp xưởng, dăm bông, dưa món, củ kiệu, khô bò, khô mực… Đặc điểm của những thức ăn này là chứa nhiều muối, nhiều đường, và các chất béo không có lợi cho sức khỏe, gây ảnh hưởng đến các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường và rối loạn mỡ máu.

Lưu ý về thực phẩm cung cấp năng lượng rỗng

Thực phẩm cung cấp năng lượng rỗng là những thực phẩm giàu năng lượng nhưng lại thiếu vitamin và chất khoáng. Loại thực phẩm thường gặp là các loại mứt (mứt gừng, mứt dừa, mứt thơm, mứt bí), bánh kẹo, thịt kho trứng (thịt mỡ)… Mặc dù mứt được làm từ trái cây nhưng trong quá trình chế biến các vitamin và khoáng chất đã bị biến chất, không giữ được chức năng như ban đầu. Bên cạnh đó, các thực phẩm này thường chứa nhiều đường, tạo ra nhiều năng lượng nhưng lại ít có khả năng sử dụng được. Hậu quả là hao hụt nguồn dự trữ các vi chất, và chuyển hóa các chất theo hướng bất lợi cho cơ thể.

Ngày Tết ăn uống triền miên, bác sĩ nêu 6 mẹo vàng cần ghi nhớ để đảm bảo sức khỏe - Ảnh 2.

Ngoài ra, cũng cần phải lưu ý đến các loại nước uống gồm nước ngọt và rượu bia, chúng cũng thuộc nhóm thực phẩm cung cấp năng lượng rỗng.

Ăn nhiều rau, củ quả

Dịp tết, chúng ta thường ít đi chợ nên các món ăn làm từ rau hay củ quả sẽ bị hạn chế. Điều này làm mất đi cân bằng dinh dưỡng, và có thể dẫn đến các triệu chứng tạm thời như táo bón… qua đó làm tăng nặng các bệnh lý nền.

Lưu ý hóc, nghẹn ở người già và trẻ em

Bánh chưng, bánh tét là 2 món ăn truyền thống không thể thiếu trong dịp tết. Chúng là biểu tượng truyền thống ẩm thực của tết Việt. Tuy nhiên, với miếng bánh to, có tính kết dính, thật dễ mắc nghẹn đối với người già và người có triệu chứng nuốt khó.

Hãy cắt các lát bánh nhỏ, vừa miệng, cẩn thận khi nhai, tránh nuốt gấp, và cần có người để ý. Đã có không ít các trường hợp bệnh nhân lớn tuổi xin ra viện để về nhà đón tết, do không cẩn thận đã mắc nghẹn khi ăn bánh chưng dẫn đến kết cục đau buồn.

Trẻ em cũng thường có các vấn đề về hóc, nghẹn dị vật. Trong ngày tết, chúng ta thường bày ra các loại hạt như hạt dưa, hạt hướng dương, hạt dẻ, hạt điều, các loại mứt, kẹo dẻo…, các thực phẩm này kích thước nhỏ, vừa tầm nắm của trẻ, nên thường là thủ phạm gây ra những tai nạn dị vật đáng tiếc.

Không nên trữ quá nhiều thực phẩm trong tủ lạnh

Là thói quen thường gặp trong dịp tết của hầu hết các gia đình, trữ quá nhiều thực phẩm trong tủ lạnh tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Điều này có thể dẫn đến việc bảo quản kém thực phẩm vì không đủ lạnh và nhiễm khuẩn chéo giữa các thực phẩm sống và chín hoặc đã được chế biến sẵn.

Kết

Tóm lại, hãy cố gắng ăn uống bình thường nhất có thể bao gồm đảm bảo dinh dưỡng hợp lý (ăn đủ nhóm thực phẩm, đủ nhu cầu, không quá nhiều cũng không quá ít, đa dạng thực phẩm), không nên dự trữ thức ăn quá nhiều, tránh các thực phẩm có hại cho liệu trình điều trị và chú ý theo dõi người bệnh.

BS. Hà Xuân Nam (Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock, Hà Nội)

Dựa vào bài trình bày của BS. Nguyễn Phương Anh (GV BM Dinh dưỡng, ĐHYK Phạm Ngọc Thạch) trong "Nghìn lẻ một đêm K" - chương trình online định kỳ của một số BS nhằm giải đáp thắc mắc của người bệnh ung thư.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày