Không chỉ năm Kỷ Hợi thì mới "lên giá", bình thường thịt lợn cũng là một món có ý nghĩa và không thể thiếu trong Tết mọi miền

Quỳnh Đào, Theo Trí Thức Trẻ 19:31 07/02/2019
Chia sẻ

Năm Kỷ Hợi, mọi người đua nhau theo trend mặc quần áo, mua vật dụng trang trí hình lợn, sơn móng tay cũng để hình lợn... hết sức sôi nổi nhưng lại không có gì thay đổi ở khâu ẩm thực, bởi lẽ thịt lợn vẫn luôn là món ăn đặc trưng trong dịp Tết.

Tết Kỷ Hợi đến, chưa gì ta đã thấy mọi người đua nhau mặc quần áo hình những chú heo ngộ nghĩnh, phong bao lì xì cũng có hình heo, có người còn mua tượng heo vàng trưng nhà, các chị em còn làm móng tay hình lợn cho có không khí... Bên cạnh đó thì đương nhiên cũng không thể thiếu các món ăn làm từ thịt lợn rồi. Cơ mà có một sự thật là các món ăn Tết năm Kỷ Hợi cũng không có gì khác biệt lớn so với những năm khác, bởi vì thịt lợn vẫn luôn là một món luôn luôn phải có trong Tết mọi miền.

Nếu cẩn thận để ý, sẽ thấy thịt lợn bằng cách nào hay cách đó, đều "len lỏi" vào làm nguyên liệu chính nhất định không thể thiếu trong món ăn ngày Tết mọi miền. Đối với nhiều người Việt Nam thì thịt lợn tượng trưng cho cuộc sống ấm no, đủ đầy, bởi từ thuở xa xưa lúc chưa có điều kiện, chỉ nhà nào thật sung túc mới có thịt mà ăn thôi. Mặt khác, thịt lợn cũng là món thịt gần gũi nhất trong mâm cơm người Việt Nam bởi những gia súc như bò, trâu... đều là những con vật to, ngoài ăn ra thì còn công dụng khác. Gà có thể đẻ trứng nên vào cái thời khó khăn ấy, giết gà cũng thật tiếc, chỉ những dịp nào cần lắm mới thịt gà mà thôi. Chính vì thế mà thịt lợn là loại thịt phổ biến nhất, cũng đồng thời là biểu tượng của sự sung túc, ấm no trong mâm cơm ngày Tết. Đến mức mỗi miền dù văn hoá cách biệt, cách chế biến có đa dạng thế nào, thì cũng gần như luôn có thịt lợn trong ngày Tết.

Miền Nam

Hầu hết những đứa trẻ miền Nam đều trải qua những cái Tết với một nồi thịt kho. Đó là nồi thịt kho to hơn những nồi bình thường mọi ngày, và hầu hết đều kho cùng nước dừa nên ngon ngọt đậm đà. Nồi thịt kho này sẽ đồng hành qua ba ngày Tết hoặc có thể lâu hơn. Có nhà có thể mất đến gần một tuần mới ăn hết thịt kho. Nguyên liệu dùng phần có thịt mỡ đan xen như bánh da lợn (thực ra bánh da lợn làm phỏng theo loại thịt này), khi cắn xuống thì cùng với phần thịt, mỡ sẽ hơi ứa ra có vị béo ngọt, ăn với cơm trắng và ít củ kiệu hoặc cải muối thì ngon không kể xiết.

Vào khoảng 28, 29 Tết, các dì các mẹ đã bắt đầu lục tục ra chợ tìm thịt ngon. Thậm chí, để "chắc ăn", có người từ 27 Tết đã mua rồi bắt đầu chế biến. Cái hay của thịt kho Tàu ở đây là để được lâu, nên dù có nấu sớm vài ngày thì đến Tết thịt vẫn ăn ngon. Ai thích ăn trứng kho thì luộc thêm vài quả, bóc vỏ rửa sạch rồi bắt nồi thịt, bỏ trứng vào là xong.

Ngoài ra, thịt lợn cũng "góp mặt" trong một số phiên bản bánh tét với ít mỡ hoặc nạc, hoặc món canh khổ qua nhồi thịt heo phổ biến ngày Tết miền Nam.

Miền Trung

Thay vì kho thịt, người miền Trung cũng có cách để bảo quản thịt heo lâu ngày không sợ hỏng cho Tết, ấy là ngâm nước mắm. Tết năm nào mà được tặng lọ heo ngâm nước mắm này thì quý phải biết. Thịt heo được luộc chín trước rồi được buộc lại bằng lạt, sau đó ngâm với đường, mắm và ít giấm, được khoảng vài ngày là gia vị đã bắt đầu ngấm vào thịt, khi cắt ra sẽ có màu nâu bóng bẩy hấp dẫn, thêm cả mùi hương hơi hăng hắc đặc trưng, chỉ cần nghe mùi cũng ứa nước bọt.

Không chỉ năm Kỷ Hợi thì mới lên giá, bình thường thịt lợn cũng là một món có ý nghĩa và không thể thiếu trong Tết mọi miền - Ảnh 4.

Ngoài ra thì món tré trứ danh miền Trung cũng là một thành phần chứa thịt heo phổ biến trong những ngày Tết. Đặc biệt, tré là món được làm từ những phần được cho là "ít ngon" nhất của thịt heo như tai, da... trộn cùng với thính gạo là món ăn hết sức giản dị nhưng vẫn hấp dẫn vô cùng.

Miền Bắc

Thịt lợn có nhiều trong mâm cỗ Tết miền Bắc, từ nhân thịt ba chỉ trong bánh chưng đến giò, canh bóng thả, canh măng... Trong đó thì phần giò heo trong canh măng vừa cung cấp độ béo, cộng với ngọt thanh từ măng là món ăn truyền thống trên mâm cỗ Tết miền Bắc.

Ngoài ra thì món thịt đông trứ danh của người dân nơi đây cũng đặc sắc không kém. Phản ánh khí hậu lạnh giá ở miền Bắc ngày Tết, có độ kết dính tự nhiên nhờ phần chân giò và da lợn, được nhiều người đánh giá là càng lạnh ăn càng ngon. Thậm chí, có thông tin truyền miệng rằng ban đầu đây không phải là thịt đông, mà là món canh chân giò, thế nhưng do khí hậu quá lạnh mà đông lại hết cả. Tuy nhiên ăn vào vẫn thấy ngon lành nên từ đó người ta cố tình làm thịt đông.

Không chỉ năm Kỷ Hợi thì mới lên giá, bình thường thịt lợn cũng là một món có ý nghĩa và không thể thiếu trong Tết mọi miền - Ảnh 6.

Thịt đông – một món ăn đặc sắc, phản ánh chân thực khí hậu lạnh giá ở miền Bắc ngày Tết. Người ta truyền miệng rằng do trời quá lạnh, canh chân giò để ở ngoài cũng đông cứng và tạo thành món thịt đông. Chính nhờ phần chân giò và da mà thịt có độ kết dính tự nhiên, càng lạnh ăn càng ngon.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày