Theo thông tin từ trang Allkpop, vào ngày 1/8, tại quốc hội, khi được hỏi về việc miễn trừ đặc biệt cho BTS, Bộ trưởng Lee Jong Sup tuyên bố rằng: "Sau khi xem xét, Bộ Quốc phòng đã kết luận rằng Bộ có thể giúp nhóm luyện tập và biểu diễn vì lợi ích quốc gia mà không vi phạm các nguyên tắc công bằng và bình đẳng".
Câu nói này có thể được hiểu là Bộ sẽ bảo vệ BTS để hoạt động hết sức có thể mà không ảnh hưởng đến nghĩa vụ quốc gia trong khi nhóm sẽ không được miễn trừ đặc biệt.
Trong khi đó, cũng về chủ đề này, theo thông tin được đưa bởi Reuters, Bộ trưởng Lee Jong Sup nói rằng: "Ngay cả khi họ tham gia quân đội, sẽ có cách để họ có cơ hội luyện tập và biểu diễn cùng nhau nếu có lịch trình biểu diễn ở nước ngoài".
"Khi nhiều người đánh giá cao (các nghệ sĩ phục vụ) trong quân đội, điều đó có thể giúp thúc đẩy sự nổi tiếng của họ hơn nữa".
Hiện tại, các vận động viên đoạt huy chương tại Thế vận hội hoặc huy chương Vàng tại Đại hội thể thao châu Á ở Hàn Quốc được miễn nhập ngũ. Đã có một cuộc tranh luận đang diễn ra rằng những nghệ sĩ nổi tiếng toàn cầu như BTS cũng nên được miễn trừ.
Các thành viên BTS đã hoãn nghĩa vụ quân sự hợp pháp cho đến năm 30 tuổi - khi đạo luật nghĩa vụ quân sự sửa đổi được ban hành vào tháng 6 năm ngoái. Tuy nhiên, Jin, thành viên lớn tuổi nhất của BTS, phải nhập ngũ vào cuối năm nay theo luật nghĩa vụ quân sự hiện hành - trừ khi sửa đổi bổ sung được thông qua.
Kể từ khi ra mắt vào năm 2013, BTS đã trở thành một cơn sốt trên toàn thế giới với những bản hit lạc quan và các chiến dịch xã hội nhằm tiếp thêm sức mạnh cho giới trẻ. BTS đã trở thành ban nhạc châu Á đầu tiên giành giải Nghệ sĩ của năm tại Lễ trao giải Âm nhạc Mỹ (American Music Awards) năm ngoái và họ đã gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng vào tháng 5 để thảo luận về tội ác, sự căm thù nhắm vào người châu Á.
Một tổ chức tư vấn của Hàn Quốc đã ước tính vào năm 2018 rằng BTS sẽ mang lại lợi ích kinh tế tổng cộng 56 nghìn tỷ won (43 tỷ USD) từ năm 2014 đến năm 2023.