Vắc xin sởi là loại vắc xin quan trọng nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng ở nhiều quốc gia trên thế giới, gồm cả Việt Nam. Hiện nay, về cơ bản có 2 loại vắc xin sởi chính được sử dụng rộng rãi: Vắc xin sởi đơn - chỉ chứa kháng nguyên phòng bệnh sởi và vắc xin phối hợp - ngoài phòng sởi, còn bảo vệ chống lại quai bị, rubella, và có thể là cả thủy đậu. Dù là vắc xin sởi đơn hay vắc xin sởi kết hợp, đều cần tiêm đủ 2 mũi mới có hiệu quả miễn dịch tối đa.
Ảnh minh họa
Cụ thể, theo WHO, khi tiêm 1 mũi vắc xin sởi thì hiệu quả chống lại bệnh sởi chỉ đạt khoảng 80 - 85%. Trong khi đó, tiêm đủ 2 mũi giúp hiệu quả phòng sởi đạt mức tối đa lên tới 97%. Đặc biệt là với trẻ nhỏ, một số trẻ không đáp ứng miễn dịch sau mũi đầu do ảnh hưởng từ miễn dịch mẹ truyền, sức khỏe hoặc bảo quản vắc xin. Mũi tiêm thứ hai giúp tăng tỷ lệ miễn dịch, bảo vệ cộng đồng và duy trì kháng thể suốt đời. Trong khi mũi 1 không có được điều này và nhanh bị giảm miễn dịch theo thời gian hơn so với tiêm đủ 2 mũi.
Về lịch tiêm, mỗi loại vắc xin cụ thể, độ tuổi và thể trạng có thể sẽ có lịch tiêm vắc xin sởi chi tiết khác nhau, tuy nhiên nhìn chung lịch tiêm chủng vắc xin này như sau:
- Đối với trẻ em: Mũi 1 tiêm khi trẻ được 9 - 12 tháng tuổi và có thể sớm hơn trong vùng dịch và chỉ tiêm khi có chỉ định của bác sĩ. Mũi 2 khi trẻ được 15 - 18 tháng tuổi. Còn nếu sử dụng vắc xin MMR (Sởi - quai bị - rubella), có thể tiêm mũi đầu lúc 12 tháng tuổi và mũi 2 lúc 4 - 6 tuổi.
- Đối với người lớn: Nếu chưa từng tiêm hoặc chưa có miễn dịch, nên tiêm 1 - 2 liều vắc xin sởi, tùy loại đơn hoặc phối hợp theo nhu cầu cùng chỉ định bác sĩ (nếu có). Hai mũi vắc xin sởi này cần cách nhau ít nhất 1 tháng. Phụ nữ chuẩn bị mang thai cần hoàn thành tiêm vắc xin sởi ít nhất 1 tháng trước khi mang thai.
Như đã nói, vắc xin sởi cần được tiêm 2 mũi mới gọi là đủ và tạo miễn dịch tối đa với bệnh sởi. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp có nhu cầu hoặc được khuyến nghị tiêm nhắc thêm mũi thứ 3. Điều này khiến nhiều người lo lắng liệu tiêm 3 mũi vắc xin sởi có ảnh hưởng gì không, có dẫn tới tình trạng “quá liều” hay không?
Câu trả lời là: Không. Tiêm thêm một mũi vắc xin sởi (tức là tiêm mũi thứ ba) không gây hại và không được coi là quá liều. Vắc xin sởi là loại vắc xin sống giảm độc lực, được thiết kế để kích thích hệ miễn dịch mà không gây bệnh. Do đó, việc tiêm thêm mũi thứ ba không làm tăng nguy cơ phản ứng phụ nghiêm trọng hay ảnh hưởng tới miễn dịch đã có. Thậm chí, còn có tác dụng bảo vệ tốt hơn trước bệnh sởi, nhất là nếu thời điểm tiêm 2 mũi trước đó đã quá lâu và miễn dịch suy giảm theo thời gian.
Có một số trường hợp cần tiêm thêm mũi thứ 3 - tức mũi nhắc lại vắc xin sởi như:
- Không nhớ rõ lịch sử tiêm chủng: Nếu bạn không chắc chắn mình đã tiêm đủ hai mũi vắc xin sởi hay chưa, việc tiêm thêm một mũi là cách an toàn để đảm bảo bạn được bảo vệ. Theo CDC, không cần thiết phải xét nghiệm kháng thể trước khi tiêm trong trường hợp này .
- Người lớn chưa từng tiêm hoặc không có bằng chứng về miễn dịch: Người lớn, đặc biệt là những người sinh sau năm 1957, nếu không có hồ sơ tiêm chủng hoặc bằng chứng về miễn dịch, nên tiêm ít nhất một liều vắc xin MMR để đảm bảo được bảo vệ.
- Chuẩn bị đi đến vùng có dịch sởi: Trước khi đến các khu vực có nguy cơ cao về sởi, việc tiêm thêm một mũi vắc xin có thể được khuyến nghị để tăng cường bảo vệ.
Ảnh minh họa
- Phụ nữ chuẩn bị mang thai: Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên đảm bảo đã tiêm đủ hai mũi vắc xin sởi trước khi mang thai, vì nhiễm sởi trong thai kỳ có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng.
Lưu ý là khi bạn đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi, nếu tiêm mũi thứ 3 thì không cần xét nghiệm kháng thể trước khi tiêm. Trước khi quyết định tiêm thêm mũi vắc xin, đặc biệt là đối với người lớn hoặc những người có tình trạng sức khỏe đặc biệt, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế.
Nguồn tổng hợp: CDC Hoa Kỳ, VNVC, WHO