Trẻ chưa được tiêm hoặc bỏ lỡ lịch tiêm vắc xin sởi sẽ đứng trước nguy cơ cao nhiễm bệnh, nhất là khi sởi đang tái bùng phát ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, vẫn có những biện pháp chủ động giúp bảo vệ trẻ trước căn bệnh truyền nhiễm cực kỳ nguy hiểm này. Đặc biệt là 6 việc cần làm sau đây:
Ảnh minh họa
Theo CDC Hoa Kỳ, trẻ cần tiêm đủ 2 liều vắc xin sởi mới đạt miễn dịch tối đa là lên tới 97%. Nếu trẻ bỏ lỡ liều đầu hoặc chưa tiêm liều hai đúng lịch, cha mẹ không cần cho tiêm lại từ đầu mà chỉ cần hoàn tất các liều còn thiếu. Khoảng cách tối thiểu giữa 2 mũi là 28 ngày nhưng tối đa thì không có giới hạn, càng sớm sẽ càng tốt. Cả WHO và CDC đều khẳng định tiêm muộn vẫn tốt hơn là không tiêm, tiêm bù càng sớm, khả năng bảo vệ càng cao.
Sởi có thể lây lan qua không khí khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện, và virus có thể tồn tại trong môi trường tới 2 giờ. Theo WHO, chỉ cần tiếp xúc với người mắc sởi trong không gian kín cũng có thể nhiễm bệnh với khả năng lây lên tới 90% nếu chưa có miễn dịch.
Vì thế, nếu trẻ chưa tiêm hoặc chưa đủ liều, cha mẹ cần tránh cho con đến nơi đông người (trường học, khu vui chơi trong nhà, bệnh viện), nhất là vào mùa dịch. Nếu trong gia đình có người nghi mắc sởi, cần cách ly ngay, sử dụng khẩu trang, vệ sinh tay thường xuyên và thông báo cho cơ sở y tế để được hướng dẫn cụ thể.
Một hệ miễn dịch khỏe mạnh có thể giúp trẻ chống lại virus sởi hiệu quả hơn, hoặc giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh nếu mắc phải. Cha mẹ cần đảm bảo chế độ ăn giàu dinh dưỡng cho trẻ, đặc biệt là các vitamin A, C, E và kẽm - những vi chất giúp củng cố hàng rào miễn dịch.
Đồng thời, trẻ nên được ngủ đủ giấc, vận động nhẹ nhàng, tránh stress và duy trì vệ sinh răng miệng - da - tay. WHO cũng nhấn mạnh vai trò của vitamin A trong việc giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ mắc sởi, nên bổ sung theo chỉ định bác sĩ nếu trẻ có nguy cơ cao.
Virus sởi rất dễ lây qua bề mặt tiếp xúc hoặc các giọt bắn trong không khí. Do đó, vệ sinh là “tuyến phòng thủ” không thể bỏ qua. Trẻ cần được rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi tiếp xúc với người khác.
Cha mẹ cũng cần giữ nhà cửa thông thoáng, vệ sinh đồ chơi, vật dụng, tay nắm cửa, điện thoại… bằng dung dịch sát khuẩn thường xuyên. Quần áo, ga gối nên được giặt đều đặn. WHO khuyến cáo đây là biện pháp hỗ trợ hữu hiệu cho cả gia đình, không chỉ riêng trẻ.
Ảnh minh họa
Không phải trẻ nào cũng có thể tiêm vắc xin sởi đúng lịch - ví dụ trẻ có chống chỉ định tạm thời do sốt cao, nhiễm trùng cấp tính, hoặc bệnh nền làm suy giảm miễn dịch. Trong những trường hợp này, bác sĩ có thể tư vấn hoãn tiêm hoặc lên kế hoạch tiêm bù phù hợp khi sức khỏe ổn định.
Ngoài ra, theo WHO, trong trường hợp dịch sởi bùng phát mạnh tại khu vực cư trú, có thể cân nhắc tiêm sớm cho trẻ từ 6 tháng tuổi (dù không thay thế liều tiêm chính thức sau này). Việc này cần thực hiện dưới chỉ định chuyên môn, không nên tự quyết định.
Nếu trẻ chưa tiêm hoặc chưa đủ liều vắc xin sởi, cha mẹ cần đặc biệt cảnh giác với những dấu hiệu sớm của bệnh như: sốt cao liên tục, ho khan, mắt đỏ, chảy nước mũi và sau 3-4 ngày sẽ xuất hiện phát ban dạng dát sẩn lan từ mặt xuống chân. Khi phát hiện các biểu hiện này, cần đưa trẻ đi khám ngay và thông báo với bác sĩ về tình trạng tiêm chủng.
Phát hiện sớm, điều trị kịp thời có thể giúp trẻ tránh được các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, tiêu chảy, viêm não hoặc tử vong - đặc biệt ở trẻ dưới 5 tuổi.
Nguồn tổng hợp: VNVC, CDC Hoa Kỳ, WHO