Tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi giúp trẻ có thể đạt miễn dịch lên tới 97% và được bảo vệ suốt đời khỏi căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này. Theo khuyến cáo của WHO và các tổ chức y tế trong và ngoài nước, mũi 1 vắc xin sởi cần được tiêm khi trẻ từ 9 đến 12 tháng tuổi. Còn mũi 2 vào 15 - 18 tháng tuổi, hoặc trước khi trẻ vào lớp 1, tùy lịch tiêm của từng quốc gia.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do chủ quan và khách quan khác nhau như trẻ ốm, dịch bệnh, quá bận rộn hoặc gia đình quên… mà nhiều trẻ sau khi tiêm mũi 1 vắc xin sởi thì bị tiêm trễ mũi 2.
Ảnh minh họa
Theo CDC Hoa Kỳ và WHO, việc tiêm trễ mũi 2 vắc xin sởi không gây nguy hiểm, không làm mất tác dụng của mũi đầu và không cần phải tiêm lại từ đầu. Mũi đầu tiên đã giúp hệ miễn dịch của trẻ nhận diện virus sởi và bắt đầu tạo kháng thể.
Mũi thứ hai được tiêm với mục đích:
- Củng cố và tăng cường miễn dịch.
- Đảm bảo tỷ lệ bảo vệ đạt mức tối đa tới 97%.
- Giúp miễn dịch kéo dài suốt đời trong hầu hết các trường hợp.
Do đó, nếu lỡ lịch mũi 2, phụ huynh không cần quá lo lắng. Việc tiêm trễ chỉ làm trì hoãn thời gian đạt được mức miễn dịch tối ưu, chứ không làm mất đi hiệu quả của mũi đầu tiên. Sau khi tiêm đủ 2 mũi, hiệu quả phòng sởi của vắc xin vẫn lên tới 97%.
Không có một "mốc tối đa" cụ thể nào được đưa ra giữa mũi 1 và mũi 2 của vắc xin sởi. Tuy nhiên, nếu đã trễ lịch, điều quan trọng là cần được tiêm mũi 2 càng sớm càng tốt. Càng tiêm sớm, hiệu quả bảo vệ càng sớm đạt mức tối ưu, nhất là trong bối cảnh dịch sởi vẫn có nguy cơ bùng phát tại nhiều nơi vì tỷ lệ tiêm chủng không đồng đều.
Ảnh minh họa
Chưa kể, dù mũi đầu đã tạo miễn dịch ban đầu, nhưng nếu không được củng cố bằng mũi 2, khả năng bảo vệ có thể giảm theo thời gian. Trẻ có thể vẫn mắc bệnh nếu tiếp xúc với nguồn lây, nhất là trong môi trường tập thể.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý một điều là không có thời gian tối đa về độ trễ giữa mũi 1 và mũi 2 vắc xin sởi nhưng có khuyến cáo về thời gian tối thiểu. WHO và các tổ chức y tế uy tín khác thống nhất rằng khoảng cách tối thiểu giữa 2 mũi là 4 tuần. Bất kỳ lúc nào sau thời điểm này, mũi 2 đều có thể được tiêm bổ sung và tiêm càng sớm thì càng tốt. Lúc này, không cần tiêm lại mũi 1 và nên chọn các cơ sở y tế uy tín để đảm bảo hiệu quả cũng như xử lý vấn đề sau tiêm nếu có.
Nguồn tổng hợp: VNVC, WHO, Báo SKĐS