Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), thức ăn đường phố ngày càng phổ biến tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng với đủ loại món hấp dẫn như thịt nướng, xiên que, bánh tráng trộn, trà sữa, bắp xào, cá viên chiên.
Nhờ giá rẻ, tiện lợi, dễ ăn, dễ mua, nên thực phẩm trên luôn là lựa chọn ưa thích của học sinh, sinh viên, công nhân và nhiều người bận rộn. Tuy nhiên, đằng sau sự tiện dụng ấy là hàng loạt nguy cơ mất an toàn thực phẩm, đặc biệt từ những hàng nướng “xiên bẩn” xuất hiện dày đặc ở cổng trường học, chợ đêm, lề đường.
Nhiều cơ sở sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, thực phẩm ôi thiu, tẩm ướp bằng phụ gia, phẩm màu rẻ tiền để đánh lừa vị giác. Dầu chiên được tái sử dụng nhiều lần, sinh ra các chất độc hại có thể tích tụ lâu dài, tăng nguy cơ ung thư.
Không ít hàng quán nướng thực phẩm sát mặt đường, nơi bụi bặm, không có biện pháp che chắn, vệ sinh. Người bán hàng không mang găng tay, khẩu trang, tiềm ẩn nguy cơ nhiễm khuẩn và ký sinh trùng nếu thịt không được nướng chín kỹ.
Các loại thịt xiên, đồ ăn nhanh bày bán tràn lan. (Ảnh minh hoạ: Cục An toàn thực phẩm)
Theo Bộ Y tế, việc tiêu thụ thực phẩm kém vệ sinh như xiên nướng bẩn có thể gây đau bụng, tiêu chảy cấp, nhiễm khuẩn đường ruột từ các vi khuẩn như E.coli, Salmonella, tụ cầu khuẩn… hoặc tích tụ độc tố gây ung thư nếu sử dụng thường xuyên.
Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh nhiều địa phương ghi nhận các ca ngộ độc thực phẩm liên quan đến thức ăn đường phố. Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên cẩn trọng khi lựa chọn quán ăn, ưu tiên những nơi sạch sẽ, có khu vực chế biến đảm bảo, nhân viên đeo găng tay, khẩu trang, không sử dụng dầu chiên đen đặc cặn.
Các quy định về xử phạt trong lĩnh vực này được nêu rõ tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 124/2021/NĐ-CP. Tùy theo mức độ vi phạm, các cơ sở kinh doanh có thể bị phạt từ 500.000 đến 15 triệu đồng, kèm theo hình thức đình chỉ hoạt động lên đến 3 tháng nếu vi phạm nghiêm trọng về điều kiện an toàn thực phẩm. Đặc biệt, mức phạt với tổ chức có thể gấp đôi cá nhân.
Nhằm siết chặt công tác kiểm tra, giám sát và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm ra công văn số 532/ATTP-NĐTT yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, đặc biệt tại khu vực xung quanh trường học, chợ dân sinh. Đồng thời, yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền kiến thức an toàn thực phẩm cho người bán hàng và người tiêu dùng, nhất là học sinh.