Những thói quen "bào mòn" thận nhiều người mắc phải

PV, Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn 15:30 25/04/2025
Chia sẻ

Ăn mặn, lười uống nước hay thường xuyên nhịn tiểu... là những thói quen mà rất nhiều người đang mắc phải góp phần đẩy thận vào nguy cơ suy yếu từng ngày.

Những tổn thương hoặc suy giảm chức năng thận có thể tiến triển âm thầm trong thời gian dài mà không có triệu chứng rõ rệt. Chính vì lý do này, các bệnh về thận thường được ví như "kẻ giết người thầm lặng", làm nổi bật tầm quan trọng của việc chăm sóc và bảo vệ thận từ sớm, trước khi tình trạng trở nên nghiêm trọng.

Dưới đây là những thói quen phổ biến có thể gây hại thận theo thời gian:

Lạm dụng thuốc giảm đau

Theo Hiệp hội Thận Quốc gia Mỹ (NKF), thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn NSAID (thuốc chống viêm không steroid) và thuốc giảm đau, có thể làm giảm cơn đau nhức tức thời. Tuy nhiên, lạm dụng loại thuốc này có thể làm tổn thương các ống thận - những ống nhỏ trong thận có chức năng đưa chất dinh dưỡng và chất lỏng đã lọc trở lại máu. Điều này gây tình trạng viêm và giảm lưu lượng máu qua thận. Đặc biệt, những người đã mắc bệnh thận mạn tính nên tránh dùng các loại thuốc giảm đau này trừ khi được bác sĩ kê đơn có thể theo dõi chức năng thận.

Những thói quen "bào mòn" thận nhiều người mắc phải- Ảnh 1.

Lạm dụng loại thuốc giảm đau có thể làm tổn thương các ống thận.

Thức khuya

Thời điểm thải độc thận chủ yếu là khi bạn nghỉ ngơi vào ban đêm, thức khuya lâu ngày sẽ cản trở quá trình giải độc và trao đổi chất của thận. Điều này không có lợi cho việc bài tiết chất thải và độc tố, cuối cùng sẽ gây ra rối loạn miễn dịch và suy nhược, chức năng thận bất thường.

Uống quá nhiều rượu

Uống nhiều rượu thường xuyên - hơn bốn ly mỗi ngày đã được khoa học chứng minh là làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính. Những người nghiện rượu nặng và hút thuốc lá thì nguy cơ này cho thận lại càng cao, nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính cao gấp 5 lần so với những người không hút thuốc hoặc uống rượu quá mức.

Hút thuốc

Theo Science Alert, hầu như mọi người đều biết rằng hút thuốc có thể gây ung thư và bệnh tim. Nhưng hút thuốc cũng gây hại trực tiếp cho thận do khói thuốc lá chứa các hóa chất độc hại như cadmium. Hút thuốc thúc đẩy quá trình oxy hóa và làm hẹp mạch máu, gây hại niêm mạc mạch máu, từ đó dẫn đến tổn thương thận. Hút thuốc cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh khác ảnh hưởng đến thận, bao gồm bệnh tiểu đường và huyết áp cao.

Uống quá ít nước

Uống không đủ nước sẽ dẫn đến tình trạng giảm lượng nước trong cơ thể, điều này càng dẫn đến giảm lượng nước tiểu. Tốc độ chuyển hóa nước tiểu giảm cũng sẽ dẫn đến việc giữ lại một lượng lớn chất thải và độc tố. Điều này sẽ làm tăng lên gánh nặng cho thận và không có lợi cho sức khỏe thận.

Ngoài ra, cơ thể con người không đủ nước sẽ làm chậm quá trình cung cấp máu cho thận, điều này có thể gây ra một loạt vấn đề như thiếu máu cục bộ và thiếu oxy ở mô thận.

Những thói quen "bào mòn" thận nhiều người mắc phải- Ảnh 2.

Uống không đủ nước sẽ dẫn đến tình trạng giảm lượng nước trong cơ thể, điều này càng dẫn đến giảm lượng nước tiểu.

Ngồi nhiều, ít vận động

Ngồi trong thời gian dài có liên quan đến sự phát triển của bệnh thận. Mặc dù các nhà nghiên cứu chưa biết rõ nguyên nhân nhưng ngồi nhiều, ít vận động thể chất ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của thận. Lý do, hoạt động thể chất nhiều sẽ giúp máu lưu thông tốt, cải thiện huyết áp và chuyển hóa glucose, cả hai yếu tố quan trọng đối với sức khỏe của thận.

Ăn quá nhiều thịt

Sau khi tiêu thụ, thịt đỏ tạo ra một lượng lớn axit trong máu, theo Boldsky. Điều này có thể làm tổn thương thận và gây ra chứng nhiễm toan. Nhiễm toan là tình trạng thận không thể loại bỏ axit đầy đủ. Protein động vật là cần thiết cho cơ thể, nhưng tiêu thụ quá nhiều có thể khiến thận suy yếu. 

Nhịn tiểu lâu

Nhịn tiểu lâu sẽ làm tăng gánh nặng cho bàng quang, ảnh hưởng đến cơ chế bình thường của cơ bàng quang, thậm chí có thể làm tổn thương cơ chế chống trào ngược niệu quản - bàng quang, dẫn đến trào ngược nước tiểu, nhiễm trùng bể thận, viêm, tổn thương thận, dẫn tới nhu mô thận.

Ăn mặn

Chế độ ăn nhiều muối có hàm lượng natri cao, có thể làm tăng huyết áp, do đó gây hại cho thận của bạn. Thay vì muối có thể sử dụng hương vị thức ăn bằng các loại thảo mộc và gia vị. Theo thời gian, nên tránh lạm dụng muối thêm vào thức ăn, hạn chế càng ăn ít muối càng tốt.

Uống cà phê nhiều

Cà phê không ảnh hưởng gì đến thận nhưng uống cà phê quá nhiều và lượng đường, sữa, kem thêm vào có thể không tốt cho thận. Vì vậy, tốt nhất nên uống cà phê vừa phải, nên uống cà phê ít đường hay không đường.

Cần lưu ý thêm là cà phê là chất kích thích, có thể ảnh hưởng đến huyết áp ở một số người. Bệnh thận thường dẫn đến tăng huyết áp. Người bị huyết áp cao chỉ nên uống không quá 2 tách cà phê mỗi ngày.

Những thói quen "bào mòn" thận nhiều người mắc phải- Ảnh 3.

Cà phê là chất kích thích, có thể ảnh hưởng đến huyết áp ở một số người.

Chủ quan với các bệnh nhiễm trùng

Nếu bạn đang bị nhiễm trùng thông thường như cảm lạnh, cúm, viêm amidan, hãy bắt đầu dùng thuốc điều trị sớm. Nếu các bệnh nhiễm trùng này không được điều trị kịp thời, chúng có thể gây hại cho thận. Đặc biệt, nhiễm trùng do virus sẽ gây hại thận nghiêm trọng nếu không được điều trị, theo India Times.

Ăn quá nhiều đường

Tiêu thụ quá nhiều đường có thể dẫn đến béo phì, làm tăng nguy cơ huyết áp cao và bệnh tiểu đường, cả hai đều có thể gây ra các vấn đề về thận. Vì vậy, bạn nên cẩn thận về việc tiêu thụ các thực phẩm không chỉ nhiều đường mà còn ẩn đường. Tránh bánh quy, gia vị, ngũ cốc và bánh mì trắng vì tất cả thứ này đều có đường ẩn. Đọc bao bì cẩn thận trước khi mua bất kỳ mặt hàng thực phẩm nào.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày