Cần tránh làm những việc gì sau khi tiêm vắc xin sởi?

Ngọc Ái, Theo https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn 22:35 22/04/2025
Chia sẻ

Có những việc tưởng vô hại, nhỏ bé nhưng nếu làm sau khi tiêm vắc xin sởi sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và thậm chí là hiệu quả của vắc xin.

Tiêm vắc xin sởi là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể gây sốt cao, viêm phổi, thậm chí viêm não hoặc tử vong. Tuy nhiên, để vắc xin phát huy hiệu quả tối đa và tránh gặp phản ứng phụ không mong muốn, người được tiêm cần đặc biệt lưu ý tránh những hành động sau đây sau khi tiêm xong:

1. Không bỏ về ngay sau khi tiêm

Sau khi tiêm vắc xin sởi, cơ thể có thể xuất hiện các phản ứng dị ứng tức thì như nổi mề đay, khó thở, sốc phản vệ - dù hiếm nhưng có thể nguy hiểm. Vì vậy, tuyệt đối không rời cơ sở y tế ngay sau khi tiêm. Hãy ở lại theo dõi tại chỗ ít nhất 30 phút. Sau đó, tiếp tục theo dõi tại nhà trong 48 giờ, lưu ý các dấu hiệu bất thường như sốt cao, phát ban, mệt lả hoặc khó thở để xử trí kịp thời.

2. Không vận động mạnh hoặc điều khiển máy móc ngay sau tiêm

Cơ thể cần thời gian nghỉ ngơi để kích hoạt phản ứng miễn dịch với virus giảm độc lực trong vắc xin. Tránh vận động mạnh, làm việc nặng, chơi thể thao cường độ cao hoặc điều khiển máy móc, phương tiện giao thông trong vài giờ đầu sau tiêm. Các hoạt động này có thể khiến cơ thể mệt hơn, tăng nguy cơ gặp phản ứng phụ như chóng mặt, choáng váng. Vài ngày sau khi tiêm vẫn cần nghỉ ngơi, tránh làm việc quá sức.

3. Không tự ý dùng thuốc hạ sốt hoặc kháng viêm

Cần tránh làm những việc gì sau khi tiêm vắc xin sởi?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Nhiều người có thể bị sốt nhẹ, đau mỏi hoặc sưng tấy nhẹ ở vị trí tiêm. Đây là phản ứng miễn dịch hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, tuyệt đối không nên tự ý dùng thuốc hạ sốt hay kháng viêm nếu chưa có chỉ định của bác sĩ, vì một số loại thuốc có thể làm giảm phản ứng miễn dịch tự nhiên mà vắc xin tạo ra, ảnh hưởng đến hiệu quả bảo vệ.

4. Không tắm nước lạnh hoặc để cơ thể nhiễm lạnh sau tiêm

Ngay sau khi tiêm, nếu tắm bằng nước lạnh hoặc để cơ thể nhiễm lạnh (đặc biệt là trong thời tiết gió mùa, lạnh sâu), hệ miễn dịch có thể bị suy yếu tạm thời, làm tăng nguy cơ phản ứng phụ hoặc kéo dài thời gian mệt mỏi. Nên giữ ấm cơ thể và tắm nước ấm nhẹ nếu cần thiết.

5. Không uống rượu, hút thuốc và dùng các chất kích thích

Rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích khác đều có thể ảnh hưởng xấu đến hệ miễn dịch, làm giảm hiệu quả tạo kháng thể của vắc xin. Các chuyên gia khuyến cáo nên tránh hoàn toàn các chất này trong ít nhất 48 giờ sau tiêm để cơ thể tập trung cho quá trình sinh kháng thể.

6. Không tiếp xúc gần với người đang mắc bệnh

Sau khi tiêm vắc xin sởi, cơ thể cần thời gian, thường khoảng 10 - 14 ngày để hình thành miễn dịch đầy đủ. Trong khoảng thời gian này, hãy hạn chế tiếp xúc gần với người đang có dấu hiệu cảm cúm, sốt, ho hoặc mắc bệnh truyền nhiễm khác để tránh lây nhiễm chéo khi hệ miễn dịch còn đang bận “học cách nhận diện virus”.

7. Không tiêm vắc xin sống giảm độc lực khác trong vòng 4 tuần

Vắc xin sởi là vắc xin sống giảm độc lực, tương tự như vắc xin quai bị, rubella, thủy đậu. Theo khuyến cáo từ CDC Hoa Kỳ và WHO, không nên tiêm hai loại vắc xin sống giảm độc lực trong vòng 4 tuần (trừ trường hợp được tiêm đồng thời tại cùng một thời điểm), vì có thể khiến cơ thể không kịp phản ứng đầy đủ với cả hai loại, giảm hiệu quả bảo vệ. Vì vậy, hãy hỏi ý kiến bác sĩ khi muốn tiêm bất kỳ loại vắc xin nào khác sau khi tiêm vắc xin sởi.

8. Không chủ quan khi có dấu hiệu bất thường

Phần lớn phản ứng sau tiêm là nhẹ và sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, nếu xuất hiện các dấu hiệu như sốt cao trên 39 độ C không giảm sau 2 ngày, co giật, phát ban toàn thân, khó thở, sưng môi - mặt, lơ mơ, nôn nhiều, đau đầu dữ dội hoặc cứng gáy… cần đến ngay cơ sở y tế. Đây có thể là phản ứng quá mức hoặc biến chứng hiếm gặp.

9. Không bỏ lỡ liều tiêm nhắc lại 

Cần tránh làm những việc gì sau khi tiêm vắc xin sởi?- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Vắc xin sởi cần hai liều để đạt miễn dịch gần như tuyệt đối. Việc quên hoặc trì hoãn liều nhắc lại khiến khả năng phòng bệnh giảm rõ rệt. Nếu bị chậm lịch tiêm, hãy tiêm bù sớm nhất có thể dù bạn ở độ tuổi nào. Ngoài ra, nên tránh chia sẻ hoặc tin theo thông tin sai lệch, thiếu kiểm chứng về vắc xin - điều này không chỉ gây hại cho bản thân mà còn làm giảm tỷ lệ tiêm chủng trong cộng đồng.

Nguồn tổng hợp: VNVC, CDC Hoa Kỳ, BVĐK Vinmec

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày