Cần chuẩn bị những gì trước khi tiêm vắc xin sởi để đạt hiệu quả cao nhất?

Ngọc Ái, Theo https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn 08:26 19/04/2025
Chia sẻ

Dưới đây là một số lưu ý trước khi tiêm vắc xin sởi mà bản thân người cần tiêm hay các bậc phụ huynh đều nên biết.

Tiêm vắc xin sởi là biện pháp hiệu quả để phòng ngừa bệnh sởi – một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Để đảm bảo vắc xin phát huy tác dụng tối đa và an toàn, người tiêm cần chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi tiêm. Dưới đây là một vài điều lưu ý cơ bản sẽ hữu ích với mọi độ tuổi trước khi tiêm vắc xin sởi:

1. Kiểm tra lịch sử tiêm chủng và tình trạng miễn dịch với bệnh

Trước khi tiêm vắc xin sởi, nên kiểm tra lại xem bạn đã từng tiêm vắc xin sởi hay vắc xin kết hợp trước đó chưa, số mũi như thế nào để có kế hoạch tiêm chủng đúng. Nếu không nhớ rõ, có thể thực hiện xét nghiệm máu để xác định mức độ kháng thể đối với virus sởi. Việc này giúp tránh tiêm lặp lại không cần thiết và đảm bảo bạn có đủ miễn dịch trước khi mang thai hoặc tiếp xúc với môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao.

Cần chuẩn bị những gì trước khi tiêm vắc xin sởi để đạt hiệu quả cao nhất?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

2. Kiểm tra tình trạng sức khỏe

Trước khi tiêm vắc xin sởi hay nhiều loại vắc xin khác, cần đảm bảo bạn đang trong tình trạng sức khỏe tốt, không bị sốt cao, nhiễm trùng cấp tính hoặc mắc các bệnh mãn tính chưa được kiểm soát. Nếu đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch hoặc có hệ miễn dịch suy yếu, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tiêm vắc xin sởi, vì có thể cần điều chỉnh liều lượng hoặc thời gian tiêm.

Ngoài ra, nếu bạn hay người thân được tiêm có tiền sử dị ứng với gelatin, neomycin hoặc từng phản ứng nghiêm trọng sau khi tiêm vắc xin từ trước đó, cần thông báo cho nhân viên y tế trước khi tiêm. Bởi đây là trường hợp không nên tiêm vắc xin sởi. Nếu nghi ngờ mình mang thai cũng cần kiểm tra kỹ do vắc xin sởi không tiêm khi đang mang thai.

3. Tìm hiểu về các loại vắc xin sởi, nắm rõ đường tiêm và tác dụng phụ sau khi tiêm

Việc tìm hiểu trước thông tin về vắc xin sởi sẽ giúp tâm lý thoải mái, sẵn sàng và hợp tác có hiệu quả hơn với nhân viên y tế. Hiện nay, có hai loại vắc xin phòng sởi phổ biến: vắc xin sởi đơn và vắc xin sởi kết hợp. Tùy theo lịch sử tiêm chủng, tình trạng sức khỏe, nhu cầu… sẽ có sự phù hợp khác nhau dù hiệu quả chống sởi là tương đương. Tuy nhiên, nên tham khảo ý kiến bác sĩ và tuân thủ khuyến cáo về liều tiêm, loại vắc xin.

Biết được vị trí tiêm và tác dụng phụ thường gặp cũng rất quan trọng. Vắc xin sởi thường được tiêm dưới da ở vùng cánh tay với trên 6 tuổi và ở đùi với trẻ dưới 6 tuổi. Sau khi tiêm, có thể xuất hiện một số phản ứng nhẹ như đau tại chỗ tiêm, sốt nhẹ hoặc phát ban. Những phản ứng này thường tự hết sau vài ngày. Tuy nhiên, nếu có phản ứng nghiêm trọng như khó thở, sưng mặt hoặc phát ban toàn thân, cần đến cơ sở y tế ngay lập tức.

4. Lựa chọn cơ sở tiêm chủng uy tín

Ngoài việc chuẩn bị cá nhân, lựa chọn cơ sở tiêm chủng uy tín cũng rất quan trọng. Nên ưu tiên các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng hoặc cơ sở được Bộ Y tế cấp phép, có đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm. Cơ sở chất lượng sẽ đảm bảo quy trình bảo quản vắc xin đúng chuẩn, giảm nguy cơ tai biến sau tiêm. Đồng thời, bạn sẽ được theo dõi và xử lý kịp thời nếu có phản ứng bất thường.

5. Chế độ ăn uống

Chế độ ăn uống cũng có tác động nhất định tới quá trình tiêm và phản ứng sau tiêm vắc xin sởi. Khi có ý định tiêm vắc xin sởi, hãy chú trọng ăn uống lành mạnh, bồi bổ đúng cách để miễn dịch khỏe mạnh, không ốm vặt. Trước khi tiêm, nên ăn uống đầy đủ và uống nhiều nước để cơ thể ở trạng thái tốt nhất. Tránh uống rượu bia hoặc sử dụng chất kích thích trước và sau khi tiêm, vì chúng có thể ảnh hưởng đến hệ miễn dịch và làm giảm hiệu quả của vắc xin.

Cần chuẩn bị những gì trước khi tiêm vắc xin sởi để đạt hiệu quả cao nhất?- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

6. Chuẩn bị tâm lý

Việc tiêm vắc xin có thể gây lo lắng cho một số người, nhất là trẻ em và người cao tuổi. Hãy tìm hiểu trước về quá trình tiêm và những phản ứng có thể xảy ra để chuẩn bị tâm lý tốt hơn. Nếu không thể đi một mình, hãy đi cùng người mà bạn cảm thấy tin tưởng hoặc có thể hỗ trợ về y tế nếu cần. Nếu cảm thấy lo lắng, hãy nói chuyện với nhân viên y tế để được tư vấn và hỗ trợ. Chuẩn bị tâm lý sẵn sàng rất quan trọng để giảm đau, phản ứng phụ và thậm chí là tác động tới hiệu quả vắc xin.

Nguồn tổng hợp: VNVC, GAVI, NHS

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày