Hồi nhỏ chưa tiêm mũi vắc xin sởi nào hoặc mới tiêm 1 mũi, trưởng thành tiêm bù được không?

Ngọc Ái, Theo https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn 22:33 10/04/2025
Chia sẻ

Vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, không ít người bỏ lỡ lịch tiêm vắc xin sởi khi còn nhỏ hoặc mới tiêm một mũi. Tới khi trưởng thành, thậm chí đã cao tuổi mới lo lắng không biết tiêm bù có được không.

Người lớn chưa tiêm đủ vắc xin sởi có nguy cơ gì?

Nhiều người sai lầm khi cho rằng sởi là bệnh của trẻ em và không đáng lo với người lớn. Người trưởng thành chưa có miễn dịch (chưa tiêm vắc xin hoặc chưa từng mắc sởi) hoặc mới tiêm 1 mũi vẫn có nguy cơ nhiễm virus cao sởi nếu tiếp xúc với nguồn bệnh. 

Hồi nhỏ chưa tiêm mũi vắc xin sởi nào hoặc mới tiêm 1 mũi, trưởng thành tiêm bù được không?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm dễ lây nhất, với khả năng lây lan qua không khí hoặc giọt bắn khi người bệnh ho, hắt hơi. Cần phải chấp nhận rằng, so với những người đã tiêm vắc xin sởi khi còn nhỏ thì người trưởng thành chưa tiêm mũi nào hoặc tiêm chưa đủ mũi dễ mắc sởi và biến chứng khi mắc bệnh cũng nặng hơn.

CDC Hoa Kỳ ước tính, nếu một người chưa tiêm chủng tiếp xúc với virus sởi, nguy cơ mắc bệnh có thể lên tới 90%. Người mới tiêm một mũi vắc xin sởi khả năng bảo vệ tối đa trước bệnh sởi là 93% và có thể bị suy giảm nếu không tiêm thêm mũi 2, suy yếu miễn dịch theo thời gian. Điều này rất đáng lo ngại, đặc biệt ở người lớn tuổi hoặc những người có bệnh nền, vì dễ biến chứng hơn so với trẻ em, gây ra viêm phổi, viêm não, suy hô hấp, thậm chí tử vong.

Người trưởng thành có thể tiêm bù vắc xin sởi không và tiêm mấy mũi?

Theo khuyến cáo của nhiều tổ chức quốc tế như CDC Hoa Kỳ, Liên Minh vắc xin toàn cầu GAVI và Dịch vụ y tế quốc gia của Anh NHS , WHO và cả Bộ Y tế tại Việt Nam, mũi đầu tiên vắc xin sởi thường được tiêm khi trẻ khoảng 9 - 12 tháng tuổi, mũi thứ hai vào lúc 15 - 18 tháng hoặc trước khi trẻ vào lớp 1, tùy theo lịch tiêm chủng của từng quốc gia.

Tuy nhiên, nếu như bỏ lỡ lịch trên thì nguyên tắc chung là nếu chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều, thì tiêm bù càng sớm càng tốt để tạo miễn dịch bảo vệ, không quan trọng độ tuổi. Do đó, người trưởng thành hoàn toàn có thể tiêm bù hoặc tiêm bổ sung vắc xin sởi. 

Có thể là tiêm đủ 2 mũi hoặc tiêm tiếp - tiêm bổ sung 1 mũi nếu hồi nhỏ mới tiêm 1 mũi. Chỉ cần 2 mũi vắc xin cách nhau tối thiểu 4 tuần. Một số ít trường hợp tiêm đủ 2 mũi vẫn có thể cần tiêm nhắc theo khuyến nghị của bác sĩ.

Những người nên đặc biệt chú ý tiêm bù vắc xin sởi khi trưởng thành gồm:

- Người trưởng thành chưa từng tiêm vắc xin sởi hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng.

- Người chuẩn bị mang thai (cần tiêm trước ít nhất 1 tháng).

- Người làm việc trong môi trường có nguy cơ cao như nhân viên y tế, giáo viên, nhân viên hàng không, quân đội.

- Người đi lại nhiều giữa các quốc gia, có kế hoạch du lịch đến các khu vực đang bùng phát dịch sởi.

Nếu không nhớ rõ đã tiêm hay chưa từng mắc bệnh, người lớn có thể làm xét nghiệm máu để kiểm tra kháng thể sởi hoặc được bác sĩ tư vấn cho từng trường hợp cụ thể.

Người trưởng thành tiêm bù vắc xin sởi có hiệu quả không?

Nhiều người e ngại rằng tiêm vắc xin sởi khi đã lớn tuổi sẽ không còn hiệu quả. Tuy nhiên, theo WHO và GAVI, hệ miễn dịch của người trưởng thành vẫn có khả năng đáp ứng rất tốt với vắc xin sởi, tương đương với lúc nhỏ.

Hồi nhỏ chưa tiêm mũi vắc xin sởi nào hoặc mới tiêm 1 mũi, trưởng thành tiêm bù được không?- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Nếu đã tiêm mũi 1 khi nhỏ, tiêm trễ mũi 2 vắc xin sởi không gây nguy hiểm và không cần phải tiêm lại từ đầu. Với mũi 1 hệ miễn dịch đã bắt đầu hình thành kháng thể với virus sởi còn mũi 2 có vai trò củng cố và gia tăng hiệu quả bảo vệ. Việc tiêm trễ chỉ làm trì hoãn thời gian đạt được mức miễn dịch tối ưu, chứ không làm mất đi hiệu quả của mũi đầu tiên. Sau khi tiêm đủ 2 mũi dù tiêm một mũi lúc nhỏ và một mũi khi lớn hay cả hai mũi khi trưởng thành thì hiệu quả phòng sởi của vắc xin vẫn lên tới 97%.

Ngoài ra, tiêm vắc xin sởi còn giúp cắt đứt chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng, bảo vệ cho cả những người không thể tiêm như trẻ sơ sinh hoặc người có hệ miễn dịch yếu. Vắc xin sởi được đánh giá là an toàn, với các phản ứng phụ nhẹ như sốt, sưng đỏ vùng tiêm, phát ban nhẹ và thường tự khỏi sau vài ngày. Người đang mang thai, suy giảm miễn dịch nặng hoặc dị ứng với thành phần của vắc xin sẽ cần được bác sĩ tư vấn cụ thể trước khi tiêm.

Nguồn và ảnh: VNVC, CDC Hoa Kỳ, BVĐK Vinmec

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày