Vắc xin sởi là một trong những công cụ quan trọng trong việc phòng ngừa bệnh sởi, một bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan nhanh và có thể gây biến chứng nghiêm trọng. Tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi giúp phòng bệnh lên tới 97%. Hiện nay, có hai loại vắc xin sởi phổ biến: vắc xin sởi đơn và vắc xin kết hợp.
Ảnh minh họa
Vắc xin sởi đơn MV chỉ chứa kháng nguyên của virus sởi, giúp cơ thể tạo ra miễn dịch chống lại bệnh sởi. Đây là vắc xin chỉ có tác dụng phòng ngừa duy nhất bệnh sởi, không bảo vệ chống lại các bệnh khác. Còn vắc xin sởi kết hợp thì bên cạnh phòng bệnh sởi, còn bảo vệ chống lại một số bệnh khác trong một mũi tiêm. Có nhiều loại vắc xin sởi kết hợp khác nhau. Phổ biến như vắc xin MMR là vắc xin 3 trong 1 phòng các bệnh: Sởi - Quai bị - Rubella. Ngoài ra còn có vắc xin MMRV 4 trong 1 phòng các bệnh: Sởi - Quai bị - Rubella - Thủy đậu. Tuy nhiên, cần nhớ rằng vắc xin MMRV chưa được phép lưu hành tại Việt Nam.
Một câu hỏi mà nhiều phụ huynh và người dân quan tâm là liệu sau khi tiêm vắc xin sởi đơn mũi đầu, có thể tiêm mũi thứ hai bằng vắc xin sởi kết hợp hay không và điều này có ảnh hưởng tới hiệu quả bảo vệ của vắc xin hay không? Câu trả lời là có thể tiêm vắc xin sởi kết hợp ở mũi 2 sau khi đã tiêm vắc xin sởi đơn ở mũi 1 hoặc ngược lại mà không ảnh hưởng tới hiệu quả miễn dịch. Điều quan trọng là các mũi tiêm phải tuân thủ đúng lịch và khoảng cách yêu cầu để đạt được hiệu quả bảo vệ tối đa - lên tới 97% với bệnh sởi.
Theo các khuyến cáo quốc tế từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) và Liên minh Vắc xin Toàn cầu (GAVI), sự kết hợp giữa vắc xin sởi đơn và vắc xin kết hợp hoàn toàn an toàn và không làm giảm hiệu quả bảo vệ chống lại bệnh sởi. Các tổ chức này xác nhận rằng, miễn là trẻ được tiêm đủ hai liều vắc xin sởi, thì việc chuyển đổi giữa hai loại vắc xin này không ảnh hưởng đến khả năng tạo miễn dịch.
Ảnh minh họa
Ngoài ra, khi tiêm kết hợp vắc xin sởi đơn và vắc xin sởi kết hợp còn tạo ra miễn dịch rộng hơn về các bệnh truyền nhiễm khác ngoài bệnh sởi, điều này rất tốt. CDC và GAVI khuyến cáo, sau khi tiêm mũi đầu bằng vắc xin sởi đơn, mũi thứ hai có thể được tiêm bằng vắc xin sởi kết hợp sau khoảng thời gian tối thiểu là 4 tuần. Khoảng cách này giúp cơ thể có đủ thời gian để phát triển miễn dịch từ vắc xin sởi đơn trước khi tiếp nhận thêm các thành phần của vắc xin kết hợp.
Tóm lại, có thể linh hoạt giữa các loại vắc xin sởi nhưng cần tiêm đủ 2 mũi và tốt nhất là đúng lịch để tạo miễn dịch tối đa. Trong một số trường hợp đặc biệt, có thể tiêm thêm một mũi thứ ba nếu cần.
Nguồn và ảnh: VNVC, CDC Hoa Kỳ, GAVI