Sởi vốn được xem là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, nhưng thực tế, người lớn – đặc biệt là người cao tuổi – vẫn có thể mắc sởi nếu chưa có miễn dịch đầy đủ. Theo WHO và CDC Hoa Kỳ, virus sởi có khả năng lây lan cực cao qua đường hô hấp, dễ bùng phát thành dịch nếu tỷ lệ miễn dịch cộng đồng suy giảm.
Tại Việt Nam, chương trình Tiêm chủng mở rộng bắt đầu triển khai tiêm vắc xin sởi từ năm 1985. Vì vậy, những người sinh trước thời điểm này có thể chưa từng tiêm hoặc chỉ mới tiêm một liều vắc xin sởi đơn – không đủ để tạo miễn dịch lâu dài. Điều này đặt ra rủi ro đáng kể khi người cao tuổi tiếp xúc với virus sởi, nhất là trong các đợt dịch hoặc khi đi đến vùng đang có dịch lưu hành.
Ảnh minh họa
Tổ chức GAVI cũng cảnh báo: Dù từng mắc sởi có thể tạo miễn dịch suốt đời, nhưng không phải ai cũng có tiền sử bệnh rõ ràng. Những người không chắc mình đã từng tiêm hay từng mắc sởi vẫn có thể là đối tượng dễ tổn thương, đặc biệt khi tuổi cao kéo theo hệ miễn dịch suy yếu. WHO cảnh báo, người cao tuổi có bệnh nền, nếu không có miễn dịch với sởi và chẳng may mắc bệnh, nguy cơ biến chứng sẽ cao hơn người trẻ. Các biến chứng như viêm phổi, suy hô hấp, thậm chí viêm não có thể xảy ra và khiến quá trình hồi phục trở nên phức tạp hơn.
Việc tiêm phòng đầy đủ là cách tốt để giảm thiểu nguy cơ này. Nhất là nếu chuẩn bị đi du lịch, sống cùng trẻ nhỏ chưa đủ tuổi tiêm hoặc làm việc trong môi trường y tế.
Dù tiêm vắc xin sởi có thể mang lại lợi ích phòng bệnh rõ rệt, nhưng người cao tuổi cần cẩn trọng hơn so với người trẻ trước khi quyết định tiêm. Tiêm vắc xin sởi không chỉ bảo vệ cá nhân mà còn giúp xây dựng “hàng rào miễn dịch cộng đồng” – đặc biệt cần thiết để bảo vệ trẻ sơ sinh và người không đủ điều kiện tiêm chủng.
Những người có hệ miễn dịch suy giảm nghiêm trọng – do ung thư, đang hóa trị, ghép tạng hoặc dùng thuốc ức chế miễn dịch – không nên tiêm các loại vắc xin sống giảm độc lực như vắc xin sởi. Với nhóm này, bác sĩ sẽ cần đánh giá cụ thể để quyết định có nên tiêm hay không.
Ngoài ra, người cao tuổi có các bệnh lý nền như tiểu đường, tim mạch, hen suyễn cũng nên trao đổi kỹ với bác sĩ trước tiêm để tránh phản ứng không mong muốn hoặc tương tác với thuốc đang dùng. Việc khám sức khỏe tổng quát và xét nghiệm máu để xác định nồng độ kháng thể cũng là bước cần thiết nếu không rõ tiền sử miễn dịch với sởi.
Ảnh minh họa
Một lưu ý nữa là người cao tuổi nếu chưa từng tiêm hoặc mới tiêm 1 liều vắc xin sởi đơn thì cần tiêm đủ 2 liều để đảm bảo hiệu quả bảo vệ. Theo WHO, khoảng cách tối thiểu giữa hai liều là 4 tuần. Trong trường hợp đã tiêm đủ 2 liều từ nhỏ, không cần tiêm lại nếu không có yếu tố nguy cơ đặc biệt.
Tóm lại, người cao tuổi vẫn có thể cần tiêm vắc xin sởi trong những trường hợp nhất định. Tuy nhiên, việc tiêm chủng cần được cá nhân hóa, có sự tư vấn từ chuyên gia y tế và dựa trên đánh giá sức khỏe tổng thể.
Nguồn và ảnh: VNVC, WHO, BVĐK Vinmec