Vắc xin sởi là một trong những loại vắc xin quan trọng nhất trong chương trình tiêm chủng mở rộng toàn cầu. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định rằng tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi giúp trẻ có thể đạt miễn dịch lên tới 97% và được bảo vệ suốt đời khỏi căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này.
Theo khuyến cáo của nhiều tổ chức quốc tế như CDC Hoa Kỳ, Liên Minh vắc xin toàn cầu GAVI và Dịch vụ y tế quốc gia của Anh NHS , WHO và cả Bộ Y tế tại Việt Nam, mũi đầu tiên vắc xin sởi thường được tiêm khi trẻ khoảng 9 -12 tháng tuổi, mũi thứ hai vào lúc 15 - 18 tháng hoặc trước khi trẻ vào lớp 1, tùy theo lịch tiêm chủng của từng quốc gia. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vì quên lịch hẹn, trẻ bị ốm, hoặc do điều kiện dịch tễ tại địa phương, khiến mũi 2 bị tiêm trễ hơn thời điểm khuyến nghị. Vậy điều này có ảnh hưởng gì đến hiệu quả của vắc xin không?
Ảnh minh họa
Theo CDC Hoa Kỳ và các tổ chức y tế khác, tiêm trễ mũi 2 vắc xin sởi không gây nguy hiểm và không cần phải tiêm lại từ đầu. Miễn là trẻ đã tiêm mũi 1, hệ miễn dịch đã bắt đầu hình thành kháng thể với virus sởi. Mũi 2 có vai trò củng cố và gia tăng hiệu quả bảo vệ. Việc tiêm trễ chỉ làm trì hoãn thời gian đạt được mức miễn dịch tối ưu, chứ không làm mất đi hiệu quả của mũi đầu tiên. Sau khi tiêm đủ 2 mũi, hiệu quả phòng sởi của vắc xin vẫn lên tới 97%.
Không có "thời gian tối đa" tuyệt đối giữa 2 mũi vắc xin sởi. Tuy nhiên, cần nhớ khoảng cách tối thiểu giữa 2 mũi là 4 tuần. Còn khi bỏ lỡ lịch tiêm mũi 2,, hoàn toàn có thể được tiêm bù và tiêm bù sớm bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu. Quan trọng nhất là đảm bảo trẻ được tiêm đủ hai liều trong khoảng thời gian an toàn, để hạn chế nguy cơ mắc bệnh – đặc biệt trong bối cảnh dịch sởi vẫn tái bùng phát tại nhiều nơi do tỷ lệ tiêm chủng không đồng đều.
GAVI khuyến cáo rằng, dù mũi 2 bị chậm, phụ huynh không nên lo lắng quá mức, nhưng cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín để được tiêm bù. Bởi sau mũi 1, khả năng miễn dịch có thể suy giảm theo thời gian, nếu không được củng cố bằng mũi 2, trẻ vẫn có nguy cơ mắc sởi, đặc biệt khi tiếp xúc với nguồn bệnh.
Nguồn và ảnh: GAVI, Báo SKĐS, CDC Hoa Kỳ