Vắc xin sởi là vắc xin giảm độc lực, tức là chứa virus sởi đã bị làm suy yếu. Khi được tiêm vào cơ thể, virus này không gây bệnh nhưng vẫn có khả năng kích thích hệ miễn dịch tạo kháng thể để chống lại sởi thực sự trong tương lai. Nhiều loại vắc xin khác, nhất là vắc xin giảm độc lực cũng gây ra phản ứng sốt sau tiêm giống như vắc xin sởi.
Ảnh minh họa
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên minh Toàn cầu về Vắc xin và Tiêm chủng (GAVI), việc sốt sau tiêm vắc xin sởi là một phản ứng hoàn toàn bình thường và là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang đáp ứng miễn dịch với vắc xin. Cụ thể, quá trình này diễn ra như sau:
- Cơ thể nhận diện virus giảm độc lực trong vắc xin: Khi vắc xin được tiêm vào, hệ miễn dịch phát hiện virus sởi đã bị làm yếu như một “kẻ xâm nhập” và kích hoạt cơ chế bảo vệ.
- Kích hoạt phản ứng viêm và tiết ra các chất miễn dịch: Hệ miễn dịch giải phóng các chất trung gian như interleukin và interferon, giúp huy động các tế bào bạch cầu đến "chiến đấu" với virus. Quá trình này làm nhiệt độ cơ thể tăng lên, dẫn đến sốt.
- Tăng cường sản xuất kháng thể: Khi nhiệt độ tăng, tốc độ sản xuất tế bào miễn dịch và kháng thể đặc hiệu với virus sởi cũng tăng theo. Đây là giai đoạn cơ thể "học" cách nhận diện và tiêu diệt virus.
- Sốt giảm khi hệ miễn dịch hoàn thành nhiệm vụ: Sau 1-2 ngày, khi cơ thể đã ghi nhớ virus sởi và tạo được hệ thống phòng vệ, sốt sẽ tự động thuyên giảm.
Đây là lý do tại sao sốt nhẹ sau tiêm vắc xin không sởi không chỉ không đáng lo mà còn là dấu hiệu cho thấy hệ miễn dịch đang hoạt động hiệu quả. Ngoài sốt nhẹ thì một số người có thể bị đau nhức tại chỗ tiêm, mệt mỏi nhẹ hoặc phát ban nhẹ, nhưng các triệu chứng này sẽ tự hết sau vài ngày.
Trên thực tế, không phải ai cũng bị sốt sau khi tiêm vắc xin sởi và điều này không có nghĩa là vắc xin không hiệu quả. Tiến sĩ Jason Bowling, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại UT Health San Antonio (Hoa Kỳ) cho biết, mỗi người có một phản ứng miễn dịch khác nhau, tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: độ tuổi, tình trạng sức khỏe và cơ địa, loại vắc xin (vắc xin sởi đơn hay vắc xin sởi kết hợp), trạng thái tinh thần khi tiêm, vị trí hay kỹ thuật tiêm… Ví dụ như trẻ em thường gặp tình trạng sốt và sốt cao hơn so với người lớn.
Theo CDC Hoa Kỳ, có khoảng 5-15% số người tiêm vắc xin sởi có thể bị sốt nhẹ sau 7-12 ngày, trong khi phần lớn không có triệu chứng rõ ràng. Những người không sốt vẫn có thể đã tạo được miễn dịch đầy đủ. Vắc xin sởi cả đơn và kết hợp đều có tỷ lệ tạo miễn dịch thành công với bệnh sởi rất cao, lên đến 97% sau hai liều. Vì vậy, dù có sốt hay không, vắc xin vẫn có tác dụng bảo vệ bạn khỏi bệnh sởi, tạo ra miễn dịch suốt đời.
Ảnh minh họa
Mặc dù sốt nhẹ sau tiêm vắc xin sởi là phản ứng bình thường, nhưng vẫn cần theo dõi sát sao và đến ngay cơ sở y tế nếu có các dấu hiệu sau:
- Sốt cao trên 39 độ C kéo dài hơn 48 giờ, không giảm dù đã dùng thuốc hạ sốt.
- Co giật do sốt (hiếm gặp), đặc biệt ở trẻ nhỏ có tiền sử co giật do sốt cao.
- Sốt kèm phát ban lan rộng, khó thở, sưng mặt hoặc môi, có thể là dấu hiệu của phản ứng dị ứng nghiêm trọng.
- Đau đầu dữ dội, lơ mơ, rối loạn ý thức, nôn nhiều hoặc cứng cổ bởi có thể là dấu hiệu của biến chứng thần kinh hiếm gặp.
Nguồn và ảnh: VNVC, CDC Hoa Kỳ, BVĐK Vinmec