Người từng mắc bệnh sởi có cần tiêm vắc xin sởi nữa không?

Ngọc Ái, Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn 22:33 31/03/2025
Chia sẻ

Rất nhiều người sau khi mắc bệnh sởi vẫn hoang mang không biết mình có nên tiêm vắc xin sởi nữa hay không, nếu không tiêm liệu bệnh có tái nhiễm không.

Sởi là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, lây lan nhanh chóng qua đường hô hấp. Biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm là tiêm vắc xin sởi. Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc liệu người từng mắc bệnh sởi có cần tiêm vắc xin hay không.

Người từng mắc bệnh sởi có cần tiêm vắc xin sởi hay không?

Khi nhiễm virus sởi, hệ thống miễn dịch sẽ nhận diện virus, sản xuất kháng thể đặc hiệu và tạo ra tế bào nhớ miễn dịch. Theo CDC Hoa Kỳ và WHO, miễn dịch sau khi mắc sởi là rất bền vững, khác với một số bệnh truyền nhiễm khác như cúm, nơi virus có thể biến đổi liên tục khiến người bệnh có thể bị tái nhiễm. Vì vậy, những người đã từng mắc bệnh sởi gần như sẽ không bị nhiễm lại trong suốt cuộc đời.

Vì vậy, nếu đã từng được chẩn đoán mắc sởi và có kết quả xét nghiệm huyết thanh tìm kháng thể IgM kháng sởi dương tính, thì không cần tiêm vắc xin sởi vì cơ thể đã có miễn dịch bền vững.

Người từng mắc bệnh sởi có cần tiêm vắc xin sởi nữa không?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, có nhiều trường hợp tưởng mình đã mắc sởi nhưng thực tế lại mắc một bệnh sốt phát ban khác. Nếu không có xét nghiệm xác nhận hay từng điều trị sởi, miễn dịch của cơ thể có thể không đủ để bảo vệ trước virus sởi. Ngoài ra, một số người dù đã mắc sởi nhưng không tạo đủ kháng thể hoặc kháng thể suy giảm theo thời gian dài, đặc biệt khi hệ miễn dịch yếu thì vẫn có thể tái nhiễm.

Kết luận là người từng mắc sởi (chẩn đoán bởi cơ sở y tế) và đã điều trị khỏi không cần phải tiêm vắc xin sởi. Nhưng nếu không chắc chắn về tiền sử bệnh sởi của mình hoặc có tình trạng sức khỏe đặc biệt dẫn tới suy giảm miễn dịch thì việc tiêm vắc xin vẫn là lựa chọn an toàn, được khuyến nghị.

Ngoài ra, CDC Hoa Kỳ khuyến nghị với những người đã tiếp xúc với virus sởi nhưng chưa có dấu hiệu bệnh rõ ràng cũng nên tiêm vắc xin sởi ngay nếu chưa tiêm. Bởi sau khi nhiễm, virus sởi cần thời gian để xâm nhập vào cơ thể gây bệnh, tiêm vắc xin sởi trong vòng 72 giờ kể từ khi tiếp xúc với virus có thể giúp phòng bệnh. Tiêm vắc xin sởi trong vòng 6 ngày kể từ khi tiếp xúc với mầm bệnh có thể phòng các biến chứng nặng của bệnh.

Sự khác biệt trong miễn dịch với sởi của người từng mắc sởi và người tiêm vắc xin sởi

Theo các chuyên gia sức khỏe, phòng bệnh bao giờ cũng tốt hơn chữa bệnh. WHO cho biết tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi (có thể là vắc xin sởi đơn hoặc vắc xin sởi kết hợp) có thể giúp phòng bệnh sởi hiệu quả rất cao tới 97%.

Điểm chung giữa người từng mắc sởi rồi khỏi và người tiêm đủ vắc xin sởi là đều có miễn dịch bền vững với bệnh sởi, có nguy cơ mắc bệnh rất thấp trong tương lai. Tuy nhiên, cũng có những khác biệt rõ rằng.

Người từng mắc bệnh sởi có cần tiêm vắc xin sởi nữa không?- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Cụ thể, miễn dịch tự nhiên sau khi mắc sởi thường bền vững nhưng phải đánh đổi bằng nguy cơ biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não, suy dinh dưỡng, thậm chí tử vong. Trong khi đó, miễn dịch từ vắc xin có thể cần tiêm nhắc lại để duy trì hiệu quả cao, nhưng lại an toàn hơn nhiều vì tránh được nguy cơ mắc bệnh và biến chứng nặng. Do đó, tiêm vắc xin sởi đúng lịch, đủ mũi là phương pháp an toàn và hiệu quả nhất để phòng bệnh sởi - nhất là đối với trẻ nhỏ.

Nguồn và ảnh: VNVC, CDC Hoa Kỳ, BVĐK Vinmec

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày