Vắc xin sởi là một trong những loại vắc xin quan trọng thuộc Chương trình Tiêm chủng Mở rộng trên toàn cầu (EPI - do WHO khởi xướng từ năm 1974), bao gồm cả Việt Nam. Chúng ta đều hiểu rằng tiêm vắc xin sởi là cách hiệu quả nhất để phòng bệnh, nhưng rất ít người biết sau khi tiêm bao lâu thì vắc xin có hiệu quả.
Tiến sĩ Jason Bowling, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại UT Health San Antonio (Hoa Kỳ) khẳng định, hầu hết các loại vắc xin - gồm cả vắc xin sởi đều không có hiệu quả ngay sau khi tiêm. Cơ thể cần thời gian để nhận diện kháng nguyên, kích hoạt hệ miễn dịch và tạo ra kháng thể bảo vệ. Thời gian này thường kéo dài từ vài ngày đến vài tuần, tùy vào từng loại vắc xin.
Ảnh minh họa
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết, sau khi tiêm vắc xin sởi, hệ miễn dịch hoạt động theo cơ chế sau:
- Giai đoạn đầu (vài ngày đầu sau tiêm): Cơ thể bắt đầu nhận diện vắc xin và kích thích hệ miễn dịch tạo kháng thể chống virus sởi.
- Từ 2 - 3 tuần sau tiêm: Kháng thể đạt mức bảo vệ tối ưu, giúp chống lại virus sởi nếu tiếp xúc. Đây là thời điểm vắc xin phát huy hiệu quả mạnh nhất và đạt mức độ bảo vệ tối đa.
Điều này có nghĩa là, sau khi tiêm vài ngày vắc xin sởi đã bắt đầu có hiệu quả nhưng ở mức độ rất thấp, phải sau 2 - 3 tuần mới đạt hiệu quả cao nhất về khả năng kháng bệnh và duy trì lâu dài.
Theo Liên minh Toàn cầu về Vắc xin và Tiêm chủng (GAVI), vắc xin sởi thường được sản xuất từ virus sởi sống, đã làm giảm độc lực, giúp kích thích hệ miễn dịch nhưng không gây bệnh. Khi tiêm vào cơ thể, hệ miễn dịch nhận diện virus, tạo kháng thể bảo vệ. Nếu sau này tiếp xúc với virus sởi thật, cơ thể có sẵn miễn dịch để chống lại, ngăn ngừa bệnh phát triển hoặc làm giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Có một số lý do vắc xin sởi cần 2 - 3 tuần mới đạt hiệu quả tối đa như:
- Hệ miễn dịch cần thời gian tạo kháng thể: Sau khi tiêm, cơ thể nhận diện virus sởi đã bị làm yếu trong vắc xin và bắt đầu sản xuất kháng thể để chống lại virus. Quá trình này mất vài ngày đến vài tuần để đạt mức bảo vệ đáng kể.
- Cơ chế ghi nhớ miễn dịch: Hệ miễn dịch không chỉ tạo kháng thể mà còn phát triển “bộ nhớ” để nhận diện và phản ứng nhanh hơn nếu gặp virus sởi thật trong tương lai. Quá trình này cần thời gian để hoàn thiện.
- Mức độ miễn dịch tăng dần: Kháng thể xuất hiện sớm nhưng chưa đủ để bảo vệ hoàn toàn. Sau khoảng 2 – 3 tuần, lượng kháng thể mới đạt mức tối ưu để giúp cơ thể chống lại virus sởi hiệu quả.
Ảnh minh họa
Đặc biệt, Tiến sĩ Jason Bowling nhấn mạnh hiệu quả của vắc xin sởi chỉ đạt tối đa và lâu dài nếu bạn tiêm đủ 2 mũi. Bởi ở mũi 1, miễn dịch với sởi chỉ đạt tối đa là 93% và bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố hơn - nhất là với trẻ em. Còn khi tiêm tiếp mũi 2, miễn dịch lên tới 97% ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Ông cũng lưu ý, thời gian tạo miễn dịch và hiệu quả kháng bệnh sởi của cả vắc xin sởi đơn và vắc xin sởi kết hợp gần như không có khác biệt.
Ngoài ra, thời gian đạt miễn dịch đầy đủ và hiệu quả kháng bệnh của vắc xin sởi cũng có thể bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố. Ví dụ như độ tuổi, bệnh nền, khả năng đáp ứng - dị ứng vắc xin, khoảng cách giữa các mũi tiêm, chất lượng bảo quản vắc xin…
Nguồn và ảnh: VNVC, CDC US, Iflscience