Bị bệnh sởi một lần rồi có thể bị mắc lại nữa không?

Ngọc Ái, Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn 22:27 30/03/2025
Chia sẻ

Mắc bệnh sởi một lần rồi có bị tái nhiễm nữa hay không là thắc mắc của rất nhiều người.

Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính có khả năng lây lan rất cao và có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Theo WHO, sởi có thể dẫn đến viêm phổi nặng, viêm não - màng não, suy dinh dưỡng, thậm chí tử vong, đặc biệt ở trẻ em và những người có hệ miễn dịch yếu. CDC Hoa Kỳ cũng cảnh báo rằng khoảng 1/5 người mắc sởi sẽ gặp biến chứng nghiêm trọng, cần nhập viện điều trị. Vì vậy, việc phòng ngừa và chăm sóc bệnh nhân sởi đúng cách là điều vô cùng quan trọng.

Bị bệnh sởi một lần rồi có bị mắc lại nữa không?

Đã từng bị bệnh sởi thì có thể mắc lại nữa hay không là thắc mắc của rất nhiều người. Các chuyên gia cho rằng: Một khi đã mắc bệnh sởi, cơ thể sẽ có miễn dịch suốt đời và không bị mắc lại nữa.

Bị bệnh sởi một lần rồi có thể bị mắc lại nữa không?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Bởi vì hệ miễn dịch của cơ thể tạo ra miễn dịch suốt đời. Khi nhiễm virus sởi, hệ thống miễn dịch sẽ nhận diện virus, sản xuất kháng thể đặc hiệu và tạo ra tế bào nhớ miễn dịch. Những tế bào này lưu giữ thông tin về virus sởi, giúp cơ thể nhận ra và tiêu diệt virus ngay lập tức nếu tiếp xúc lại trong tương lai.

Theo CDC Hoa Kỳ và WHO, miễn dịch sau khi mắc sởi là rất bền vững, khác với một số bệnh truyền nhiễm khác như cúm, nơi virus có thể biến đổi liên tục khiến người bệnh có thể bị tái nhiễm. Vì vậy, những người đã từng mắc bệnh sởi sẽ không bị nhiễm lại trong suốt cuộc đời. Đây cũng được xem là lý do trước đây sởi chủ yếu xuất hiện ở trẻ em. Bởi khi chưa có vắc xin, hầu hết trẻ nhỏ đều bị nhiễm sởi sớm, dẫn đến miễn dịch tự nhiên khi trưởng thành.

Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng không có điều gì là hoàn toàn tuyệt đối 100%. Theo UKHSA của Anh, mặc dù vô cùng hiếm nhưng vẫn có trường hợp có thể tái nhiễm sởi và thường liên quan tới tình trạng sức khỏe đặc biệt. Ví dụ như hệ miễn dịch không phản ứng đủ mạnh sau lần nhiễm đầu tiên, hoặc hệ miễn dịch bị suy yếu nghiêm trọng do tuổi tác, bệnh lý khác (HIV/AIDS, ung thư…). Ngoài ra, một số người có thể nhầm lẫn giữa sởi với bệnh khác nên nghĩ rằng mình đã mắc bệnh trước đó. Để bảo vệ tốt nhất, tiêm vắc xin sởi vẫn là biện pháp hiệu quả nhất.

Dấu hiệu bệnh sởi và cách phòng tránh

Bệnh sởi ở giai đoạn ủ bệnh (10-14 ngày) thường không có triệu chứng rõ ràng. Sau khi nhiễm virus sởi khoảng 10 ngày, các triệu chứng đầu tiên sẽ xuất hiện, bao gồm:

- Triệu chứng giống cảm lạnh: sổ mũi, hắt hơi, ho kéo dài.

- Mắt bị ảnh hưởng: đau, đỏ, sưng, chảy nước mắt nhiều, nhạy cảm với ánh sáng.

- Sốt cao: nhiệt độ có thể lên đến 40°C, kèm theo cảm giác mệt mỏi, chán ăn, đau nhức toàn thân.

- Xuất hiện đốm Koplik: những đốm nhỏ màu trắng xám trong miệng, đặc trưng của bệnh sởi.

Tiếp theo, khoảng 2-4 ngày sau, phát ban sởi sẽ xuất hiện và kéo dài khoảng một tuần:

- Ban dạng đốm nhỏ màu nâu đỏ, có thể lan rộng thành từng mảng.

- Ban thường bắt đầu ở đầu, mặt rồi lan xuống toàn thân.

- Không gây ngứa nhưng có thể kèm theo sốt cao và khó chịu.

Như đã nói, bệnh sởi ngoài khó chịu, phát ban còn gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, thậm chí nguy hiểm tính mạng - nhất là ở trẻ em. Vì vậy, phòng bệnh sớm là rất quan trọng với các biện pháp phòng sởi sau:

- Tiêm vắc xin sởi: Tiêm đủ 2 liều vắc xin sởi (dù là vắc xin sởi đơn hay vắc xin sởi kết hợp) đều có hiệu quả phòng bệnh lên đến 97%. Là biện pháp phòng sởi hiệu quả nhất.

Bị bệnh sởi một lần rồi có thể bị mắc lại nữa không?- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

- Chú trọng vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, đeo khẩu trang ở nơi đông người, bảo đảm môi trường sống sạch sẽ…

- Tránh tiếp xúc với người bệnh: Không dùng chung đồ cá nhân và hạn chế tiếp xúc gần với người mắc sởi.

- Tăng cường miễn dịch: Ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi hợp lý để tăng sức đề kháng.

Nguồn và ảnh: CDC Hoa Kỳ, NHS

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày