Bệnh viện nơi được xem là "ngôi nhà của sự chữa lành", nơi con người tìm đến để xoa dịu nỗi đau và giành lại sự sống. Thế nhưng, trong bệnh viện có một mối đe dọa khiến cả những người khoác áo blouse trắng cũng phải e dè, đó là: Nhiễm khuẩn bệnh viện.
Nhiễm khuẩn bệnh viện là tình trạng nhiễm trùng mà bệnh nhân mắc phải trong quá trình điều trị tại các cơ sở y tế, không có dấu hiệu hay đang ủ bệnh khi nhập viện. Theo định nghĩa phổ biến, nó thường xuất hiện sau 48-72 giờ nhập viện.
Tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện dao động từ 5,8% (theo khảo sát trên 9.345 bệnh nhân) đến gần 30% ở các khoa Hồi sức tích cực.
Những bệnh viện tiếp nhận càng nhiều bệnh nhân nặng, thực hiện càng nhiều thủ thuật xâm lấn thì nguy cơ mắc nhiễm khuẩn bệnh viện càng cao. Tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện có thể lên tới 20%-30% ở những khu vực có nguy cơ cao như Hồi sức tích cực, sơ sinh, ngoại khoa… Các loại nhiễm khuẩn bệnh viện thường gặp là viêm phổi bệnh viện (bao gồm viêm phổi thở máy), nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn vết mổ, nhiễm khuẩn tiết niệu...
Bác sĩ Hà Thảo (Bác sĩ Y học dự phòng - Tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội; Thành viên hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Việt Nam, VNICS) chia sẻ: "Là người làm nghề, tôi hiểu hậu quả của nhiễm khuẩn bệnh viện, nên luôn thận trọng trong từng khâu kiểm soát".
Bs Thảo kể lại câu chuyện của một sản phụ trẻ. Sau ca mổ lấy thai, thay vì được ôm con trong lòng trong niềm hạnh phúc, chị rơi vào chuỗi ngày khổ sở vì nhiễm trùng vết mổ.
Gần một tháng trời nằm viện, chị phải dùng đến những loại kháng sinh mạnh nhất để chống chọi với sốt cao, đau đớn, tắc sữa và cơ thể kiệt quệ. Đau lòng hơn, dù con đã chào đời nhiều ngày, chị không thể gần gũi bé vì đang điều trị cách ly.
Gia đình chị rơi vào cảnh lao đao: Một nửa chăm em bé sơ sinh, một nửa túc trực bên mẹ, mọi thứ đảo lộn như một cuộc chiến không hồi kết. Sau lần ấy, nỗi ám ảnh khiến chị không dám nghĩ đến việc sinh thêm con.
Hình minh hoạ.
Bác sĩ Hà Thảo chia sẻ về những hậu quả đáng sợ của nhiễm khuẩn bệnh viện, bao gồm:
Bác sĩ Hà Thảo.
- Tăng tỷ lệ mắc bệnh, tăng tử vong.
- Kéo dài thời gian điều trị, tăng gánh nặng y tế.
- Gia tăng chi phí y tế cho bệnh nhân và hệ thống y tế.
- Thúc đẩy sự xuất hiện của vi khuẩn kháng thuốc.
Không ít trường hợp đau lòng đã xảy ra vì nhiễm khuẩn bệnh viện: Sản phụ nhiễm trùng hậu sản sau mổ đẻ phải cắt bỏ tử cung, thậm chí tử vong; trẻ sơ sinh suy đa phủ tạng vì nhiễm khuẩn huyết.
Đặc biệt, trẻ sơ sinh (nhất là trẻ thiếu tháng) là đối tượng dễ tổn thương nhất, với tỷ lệ tử vong lên đến 50% khi nhiễm khuẩn, do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện và thường phải chịu nhiều thủ thuật xâm lấn.
BS Thảo cho biết, để hạn chế nhiễm khuẩn bệnh viện cần sự hợp tác của rất nhiều người.
- Với bệnh viện: Xây dựng và triển khai các biện pháp/gói phòng ngừa cho từng loại nhiễm khuẩn, có đội ngũ giám sát, phát hiện ca nhiễm khuẩn để cảnh báo và dự phòng trong tương lai, đào tạo kiến thức, nâng cao ý thức tuân thủ cho nhân viên y tế, tuân thủ kiểm soát nhiễm khuẩn ngay cả khi không có người giám sát, có chế tài khen thưởng, xử phạt thích hợp...
- Với người bệnh và người nhà: Cần tuân các quy định, hướng dẫn tại bệnh viện như vệ sinh tay, vệ sinh hô hấp, phòng hộ cá nhân ở những khu vực đặc biệt, chăm sóc vết thương đúng cách khi ra viện, tránh tiếp xúc không cần thiết với nguồn lây...
- Với nhân viên y tế: Trau dồi kiến thức về kiểm soát nhiễm khuẩn, tuân thủ tốt kiểm soát nhiễm khuẩn không chỉ giúp bảo vệ người bệnh mà còn bảo vệ chính nhân viên y tế.
"Bệnh viện là nơi chữa bệnh, không phải nơi mang thêm nỗi đau. Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện không chỉ là trách nhiệm của bệnh viện, mà còn của nhân viên y tế, bệnh nhân và cả cộng đồng ", nữ bác sĩ chia sẻ.