Tiêm vắc xin sởi rồi có bị mắc bệnh sởi nữa không?

Ngọc Ái, Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn 22:33 28/03/2025
Chia sẻ

Tiêm vắc xin sởi có phải là biện pháp đảm bảo 100% “miễn nhiễm” với bệnh sởi hay không là thắc mắc của rất nhiều người.

Vắc xin sởi thường được sản xuất từ virus sởi sống, đã làm giảm độc lực, giúp kích thích hệ miễn dịch nhưng không gây bệnh. Khi tiêm vào cơ thể, hệ miễn dịch nhận diện virus, tạo kháng thể bảo vệ. Nếu sau này tiếp xúc với virus sởi thật, cơ thể có sẵn miễn dịch để chống lại, ngăn ngừa bệnh phát triển hoặc làm giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Cần tiêm mấy mũi vắc xin sởi?

Hiện nay, có 2 nhóm vắc xin sởi phổ biến là vắc xin sởi đơn (MV) và vắc xin phổi kết hợp (MMR, MMRV). Nhìn chung, tùy vào loại vắc xin cụ thể và độ tuổi mà có lịch tiêm khác nhau, nhưng về cơ bản, cần phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi để có miễn dịch với bệnh tốt nhất.

Tiêm vắc xin sởi rồi có bị mắc bệnh sởi nữa không? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo đa số các chương trình tiêm chủng mở rộng (bao gồm cả ở Việt Nam), trẻ em là đối tượng cần - bắt buộc tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi. Người lớn không bắt buộc tiêm đủ 2 mũi, nhưng vẫn được khuyến cáo trong một số trường hợp có nguy cơ cao.

Lý do là tiêm 1 mũi vắc xin sởi đạt hiệu quả 80 - 85%, còn tiêm đủ 2 mũi có thể lên đến 95 - 97%. Một số trẻ không đáp ứng miễn dịch sau mũi đầu do ảnh hưởng từ miễn dịch mẹ truyền, sức khỏe hoặc bảo quản vắc xin. Mũi tiêm thứ hai giúp tăng tỷ lệ miễn dịch, bảo vệ cộng đồng và duy trì kháng thể suốt đời. WHO khuyến cáo tất cả trẻ em đều cần tiêm mũi thứ hai, không cần xét nghiệm kháng thể trước.

Tiêm vắc xin sởi rồi có bị mắc bệnh sởi nữa không?

Cần phải khẳng định rằng,không có loại vắc xin nào có thể bảo vệ 100% trong mọi trường hợp với tất cả mọi người, và vắc xin sởi cũng không ngoại lệ. Tiến sĩ Y khoa Pritish K. Tosh (Mayo Clinic, Mỹ) cho biết khả năng mắc bệnh sởi sau khi tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi là có, dù rất nhỏ. Như đã nói, vắc xin sởi là biện pháp hiệu quả cao nhưng chỉ ở mức cao nhất là 97%. Điều này có nghĩa là ngay cả khi tiêm đủ 2 mũi vắc xin thì vẫn sẽ có 3% có thể bị mắc bệnh sởi nếu tiếp xúc với virus sởi.

Theo WHO, phần lớn những người đã tiêm đủ hai liều vắc xin sởi sẽ có miễn dịch suốt đời. Tuy nhiên, một số ít trường hợp có thể bị suy giảm miễn dịch theo thời gian, đặc biệt ở những người có hệ miễn dịch yếu.

Tỷ lệ mắc bệnh sởi ở người tiêm đủ 2 mũi và đúng lịch vắc xin sởi đương nhiên sẽ thấp hơn so với những người chưa tiêm đủ mũi, không đúng lịch (95 - 97%) Tuy nhiên, trong trường hợp nhiễm bệnh, các triệu chứng thường nhẹ hơn rất nhiều và hầu như không có biến chứng nghiêm trọng, ít có nguy cơ lây lan cho người khác.

Còn với người mới chỉ tiêm 1 mũi vắc xin sởi, khả năng miễn dịch chỉ đạt khoảng 80 - 85%, chưa đủ miễn dịch với bệnh. Đây là lý do quan trọng mà chúng ta, nhất là trẻ em cần tiêm mũi thứ hai để tăng tỷ lệ miễn dịch lên gần như tối đa và tạo ra sự bảo vệ bền vững hơn.

Tiêm vắc xin sởi rồi có bị mắc bệnh sởi nữa không? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Tiến sĩ Y khoa Pritish K. Tosh nói thêm, khả năng mắc bệnh sởi dù đã tiêm đủ vắc xin sẽ cao hơn trong các đợt bùng phát dịch hay người tiêm bị các bệnh lý gây suy giảm miễn dịch. Một số ít trường hợp miễn dịch có thể suy yếu theo tuổi tác hoặc do mắc bệnh nền. Khi trưởng thành, số ít trường hợp có thể sẽ cần tiêm nhắc theo tư vấn của bác sĩ. Ngoài ra, chất lượng bảo quản vắc xin cũng có thể làm giảm hiệu quả của nó và tăng nguy cơ mắc sởi dù đã tiêm đủ.

Nguồn và ảnh: VNVC, Mayo Clinic, SKĐS

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày