Theo trang QQ News, ngày 25/3 vừa qua, một gia đình 6 người ở Phật Sơn, Quảng Đông, Trung Quốc đã phải nhập viện cấp cứu sau bữa ăn.
Theo lời kể của bà Trương (1 thành viên trong gia đình), hôm đó, cả nhà cùng nhau ăn canh gà hầm dược liệu. Khi ăn, mọi người đều cảm thấy canh hơi đắng, tuy nhiên họ không để ý.
Khoảng 1 tiếng sau khi ăn canh, cả gia đình bắt đầu có triệu chứng mờ mắt, chóng mặt, mệt mỏi. Nghi ngờ bị ngộ độc nên cả nhà lúc này nhanh chóng chụp lại các nguyên liệu nấu canh và gọi cấp cứu.
Khi đến Khoa cấp cứu của Bệnh viện nhân dân số 4 quận Nam Hải, Phật Sơn, một thành viên trong gia đình đã bất tỉnh và hôn mê, một thành viên khác có biểu hiện da tím tái, hoa mắt, chóng mặt nghiêm trọng. Cả hai người được bơm rửa dạ dày và chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) để tiếp tục theo dõi. Sau khi qua cơn nguy kịch, họ được chuyển về Khoa Tiêu hóa của bệnh viện để điều trị.
Các thành viên còn lại của gia đình có triệu chứng nhẹ hơn, sau khi cấp cứu sức khỏe đã ổn định.
Sau khi xem ảnh chụp các nguyên liệu nấu canh gà của gia đình bà Trương cùng kết quả xét nghiệm, bác sĩ phát hiện một thứ “cực độc” trong canh, đó là lá ngón.
Việc dùng lá ngón nấu canh là nguyên nhân khiến cả gia đình 6 người bị ngộ độc.
Cả nhà nhập viện sau khi ăn bát canh gà nấu với lá ngón. (Ảnh: QQ News)
Theo bác sĩ, đây không phải trường hợp đầu tiên bị ngộ độc lá ngón mà bệnh viện tiếp nhận. Trước đó, một người đàn ông lớn tuổi cũng đã tử vong sau khi mua phải lá ngón tại một cửa hàng về nấu canh thảo mộc bồi bổ cho cơ thể.
Bác sĩ lý giải, trong lá ngón có chứa chất kịch độc là hoạt chất alkaloid. Cả rễ, thân và lá của cây lá ngón đều chứa alkaloid, nhưng hàm lượng chất độc thường nhiều nhất ở vỏ rễ.
Cây lá ngón thuộc họ cây leo, thân nhỏ, lá màu xanh, mặt lá nhãn bóng, đầu lá nhọn, thuôn dài. Hoa của cây lá ngón có màu vàng tươi. Cây lá ngón thường bị nhiều người nhầm lẫn với các cây dược liệu và đem về ngâm rượu, sắc thuốc, hoặc nấu canh bồi bổ cơ thể, khiến người sử dụng bị ngộ độc.
Tiêu thụ một lượng nhỏ alkaloid có thể gây ức chế hệ thần kinh trung ương, hệ hô hấp và khiến người bệnh tử vong trong vòng 1-7 tiếng.
Lá ngón thường dễ bị nhầm lẫn với các loại cây dược liệu khác. (Ảnh minh họa)
Bệnh nhân bị ngộ độc lá ngón thường có một số biểu hiện như sau:
- Đau rát ở miệng và lưỡi, nôn mửa và co giật trong vòng 10 phút sau khi ăn phải lá ngón;
- Khát nước;
- Đau họng;
- Hoa mắt, chóng mặt;
- Buồn nôn;
- Khó thở;
Do đó, bác sĩ khuyến cáo, người dân cần cẩn trọng khi mua các loại dược liệu. Trong trường hợp xuất hiện các dấu hiệu ngộ độc sau khi ăn, đặc biệt là các dấu hiệu ngộ độc lá ngón, mọi người cần tiến hành gây nôn và đến bệnh viện cấp cứu kịp thời để tránh hậu quả đáng tiếc.