Vắc xin sởi là biện pháp quan trọng và hiệu quả cao để phòng ngừa bệnh sởi, nhưng không phải ai hay bất cứ thời điểm nào bạn cũng có thể tiêm nếu muốn. Có nhiều loại thuốc có thể ảnh hưởng đến hiệu quả và độ an toàn của vắc xin sởi, thậm chí làm tăng nguy cơ biến chứng.
Ảnh minh họa
Vì vậy, điều quan trọng là thông báo chi tiết nhất có thể cho bác sĩ về tình trạng sức khỏe - dùng thuốc của mình trước khi quyết định tiêm vắc xin sởi. Tuân thủ quyết định về thời gian hoãn tiêm hay không tiêm vắc xin sởi từ bác sĩ. Cũng không tự ý ngừng thuốc để tránh bệnh tình trầm trọng hơn.
Nếu đang dùng các loại thuốc dưới đây, rất có thể sẽ cần hoãn tiêm hoặc không thể tiêm vắc xin sởi:
- Thuốc hóa trị ung thư: Những thuốc này làm suy giảm miễn dịch, khiến cơ thể không thể tạo ra phản ứng miễn dịch đủ mạnh khi tiêm vắc xin. WHO khuyến cáo chỉ nên tiêm vắc xin sởi ít nhất 3 tháng sau khi hoàn thành hóa trị và được đánh giá bởi chuyên gia.
- Corticosteroid liều cao: Sử dụng corticosteroid liều cao (ví dụ: prednisone ≥20 mg/ngày) trong thời gian dài có thể làm suy giảm hệ miễn dịch. Theo CDC Hoa Kỳ, nên tránh tiêm vắc xin sởi cho những người đang dùng corticosteroid liều cao cho đến khi ngừng thuốc ít nhất 1 tháng.
- Thuốc ức chế miễn dịch: Bao gồm các thuốc như azathioprine, cyclosporine, tacrolimus, và các thuốc sinh học (biologics) như infliximab, adalimumab…. Theo NHS, những thuốc này có thể làm giảm hiệu quả của vắc xin sởi và tăng nguy cơ biến chứng nên tốt nhất là hoãn tiêm vắc xin sởi ít nhất 6 tháng sau khi dùng.
- Thuốc điều trị viêm gan siêu vi C - thường gặp như - Ribavirin: Đây là loại thuốc kháng virus có thể ảnh hưởng đến virus sởi giảm độc lực trong vắc xin. Theo WHO, nếu đang dùng ribavirin, nên hoãn tiêm vắc xin sởi ít nhất 1 tháng.
- Thuốc kháng virus HIV: Những bệnh nhân đang dùng thuốc kháng virus HIV như lamivudine, tenofovir, efavirenz có thể có đáp ứng miễn dịch kém hơn khi tiêm vắc xin sởi. Theo CDC, nếu bệnh nhân HIV có số lượng tế bào CD4 thấp, cần đánh giá cẩn thận trước khi tiêm.
Ảnh minh họa
- Thuốc chống thải ghép: Những người ghép tạng cần sử dụng thuốc chống thải ghép. Những thuốc này ức chế hệ miễn dịch mạnh hoặc làm giảm hiệu quả khiến vắc xin sởi có thể không tạo ra miễn dịch hiệu quả, thậm chí tăng biến chứng. Theo NHS Anh, những bệnh nhân ghép tạng không nên tiêm vắc xin sống như vắc xin sởi, nhất là mới ghép tạng trong vòng 1 - 2 năm. Người đã ổn định sau ghép tạng nhiều năm có thể được xem xét tiêm vắc xin nếu bác sĩ đánh giá đủ an toàn.
- Thuốc điều trị bệnh tự miễn: CDC Hoa Kỳ cảnh báo các loại thuốc điều trị bệnh tự miễn có thể làm giảm hiệu quả vắc xin sởi vì ức chế hệ miễn dịch. Nhất là thuốc điều trị các bệnh như: viêm khớp dạng thấp, vảy nến, lupus, viêm ruột. Ví dụ như với người dùng thuốc methotrexate liều thấp có thể tiêm vắc xin sởi, nhưng liều cao cần trì hoãn ít nhất 1 tháng sau khi ngừng thuốc.
- Thuốc chống động kinh: Đây là nhóm thuốc có thể gây suy giảm miễn dịch nhẹ, giảm bạch cầu nên ảnh hưởng đến đáp ứng với vắc xin sởi. Tuy nhiên, ảnh hưởng này không quá lớn và có thể được tiêm vắc xin sởi sau khi kiểm tra tình trạng miễn dịch bởi chuyên gia y tế.
Nguồn và ảnh: CDC Hoa Kỳ, BVĐK Vinmec, GAVI