Sởi từng là căn bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ, nhưng hiện nay, người trưởng thành cũng ngày càng được khuyến khích tiêm phòng trở lại. Đặc biệt là với những ai chưa từng tiêm đủ hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng. Trong bối cảnh đó, nhiều người đặt câu hỏi: tiêm vắc xin sởi đơn hay vắc xin kết hợp là lựa chọn hợp lý hơn?
Vắc xin sởi đơn là loại vắc xin chỉ chứa thành phần phòng bệnh sởi, giúp kích thích cơ thể tạo ra kháng thể chống lại virus sởi. Trong khi đó, vắc xin sởi kết hợp là loại có chứa thêm một hoặc hai thành phần phòng các bệnh truyền nhiễm khác như quai bị, rubella hoặc thủy đậu, giúp bảo vệ cơ thể cùng lúc trước nhiều tác nhân gây bệnh. Ví dụ như vắc xin sởi kết hợp 3 trong 1 MMR giúp phòng cùng lúc các bệnh: sởi - quai bị - rubella, hay vắc xin sởi kết hợp 4 trong 1 MMRV giúp phòng: sởi - quai bị - rubella - thủy đậu. (Lưu ý: Vắc xin sởi kết hợp MMRV chưa được phép lưu hành tại Việt Nam).
Ảnh minh họa
Cả hai loại đều sử dụng virus sống giảm độc lực – tức virus đã được làm yếu – nên không gây bệnh thật sự nhưng đủ để kích thích hệ miễn dịch tạo ra đáp ứng bảo vệ lâu dài. Các tổ chức y tế lớn như WHO, CDC Hoa Kỳ hay Bộ Y tế Việt Nam đều công nhận cả vắc xin sởi đơn và sởi kết hợp là an toàn, hiệu quả tạo miễn dịch chống bệnh sởi tương đương nhau: lên tới 97% sau khi tiêm đủ 2 mũi.
Lựa chọn giữa vắc xin sởi đơn hay sởi kết hợp phụ thuộc vào một số yếu tố như: độ tuổi, tiền sử tiêm chủng, nguy cơ phơi nhiễm và mục tiêu bảo vệ sức khỏe tổng thể. Nhưng nhìn chung, với người trưởng thành thì có 2 lưu ý quan trọng cần xem xét khi lựa chọn tiêm vắc xin sởi đơn hay vắc xin sởi kết hợp như sau:
- Nếu người trưởng thành chưa từng tiêm bất kỳ mũi nào hoặc không nhớ đã tiêm gì, vắc xin sởi kết hợp thường được ưu tiên hơn vì giúp phòng thêm các bệnh nguy hiểm khác cũng có thể gây biến chứng ở người lớn như rubella hay quai bị. Việc tiêm một mũi có nhiều tác dụng cũng giúp giảm số lần tiêm.
- Nếu người trưởng thành đã tiêm đủ hoặc mắc các bệnh khác rồi, nhưng chưa tiêm phòng sởi, thì tiêm vắc xin sởi đơn là lựa chọn phù hợp để tập trung bổ sung miễn dịch chống sởi, tránh tiêm lại không cần thiết. Hoặc trưởng hợp người trưởng thành đã tiêm đủ 2 mũi nhưng làm việc trong môi trường dễ tiếp xúc với virus sởi hoặc đi tới vùng dịch, cần tiêm nhắc thì vắc xin sởi đơn thường được ưu tiên.
Tóm lại, người trưởng thành có thể lựa chọn tiêm vắc xin sởi đơn hay vắc xin sởi kết hợp đều được. Nhưng vắc xin sởi kết hợp thường được khuyến nghị trong các chương trình tiêm chủng dành cho người lớn, trừ khi có lý do cụ thể để dùng vắc xin sởi đơn.
- Người lớn có thể tiêm vắc xin sởi (dù đơn hay kết hợp) nếu chưa có bằng chứng rõ ràng về việc đã từng tiêm 2 mũi trước đây hoặc từng mắc bệnh sởi tự nhiên. Nếu chỉ mới tiêm 1 mũi khi còn nhỏ, vẫn nên tiêm thêm 1 mũi càng sớm càng tốt để đảm bảo đạt miễn dịch tối ưu (khoảng 97%).
Ảnh minh họa (Được tạo bởi AI)
- Nếu bạn không rõ tiền sử tiêm chủng, nên xét nghiệm máu để kiểm tra kháng thể sởi. Cũng có thể không cần xét nghiệm máu trước mà tiêm trực tiếp theo chỉ định bác sĩ trong từng trường hợp sau thăm khám, vì tiêm nhắc lại cũng không gây hại.
- Vắc xin sởi được khuyến cáo không tiêm trong thai kỳ. Phụ nữ có dự định mang thai nên hoàn tất tiêm chủng ít nhất 1 tháng trước khi mang thai.
- Người làm việc trong môi trường có nguy cơ cao như nhân viên y tế, giáo viên, nhân viên hàng không, quân đội hoặc đi lại nhiều giữa các quốc gia, có kế hoạch du lịch đến các khu vực đang bùng phát dịch sởi có thể cần tiêm nhắc dù đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi.
- Sau tiêm có thể có các phản ứng nhẹ như sốt, đau cơ, mỏi người hoặc phát ban nhẹ, thường tự khỏi sau vài ngày. Các phản ứng nặng là cực kỳ hiếm.
Nguồn và ảnh: VNVC, CDC Hoa Kỳ, BVĐK Vinmec