Với phụ nữ mang thai, nhiễm sởi có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm não, sảy thai, thai lưu hoặc sinh non. Theo WHO và CDC Hoa Kỳ, phụ nữ nhiễm sởi khi đang mang thai có nguy cơ cao gặp biến chứng nặng hơn người bình thường.
Nhìn chung, hiệu quả chống lại bệnh sởi của vắc xin sởi đơn và vắc xin sởi kết hợp gần như không khác nhau. Khi lựa chọn tiêm loại nào cần phụ thuộc vào nhiều yếu tố từ nhu cầu, độ tuổi, lịch sử tiêm chủng trước đó… Với phụ nữ đang có kế hoạch mang thai cũng vậy, chọn vắc xin sởi đơn hay kết hợp đều được nhưng vắc xin sởi kết hợp thường được khuyến nghị nhiều hơn.
Lý do là bên cạnh bệnh sởi, những bệnh như rubella hay quai bị… cũng gây hậu quả nặng nề nếu mắc trong thai kỳ. So với vắc xin sởi đơn chỉ phòng ngừa một bệnh, vắc xin sởi kết hợp giúp tạo miễn dịch toàn diện hơn, đặc biệt với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản - nhóm đối tượng dễ chịu ảnh hưởng nặng nề nếu mắc đồng thời nhiều bệnh virus trong thai kỳ. Đồng thời, hạn chế số mũi tiêm/lần tiêm cần thiết.
Ảnh minh họa
Hiện nay trên thế giới có 2 loại vắc xin sởi kết hợp MMR (phòng sởi - quai bị - rubella) và MMRV (phòng sởi - quai bị - rubella - thủy đậu). Tuy nhiên, phổ biến rộng rãi và được các tổ chức y tế - tiêm chủng toàn cầu khuyến nghị tiêm cho phụ nữ chuẩn bị mang thai là vắc xin MMR. Riêng tại Việt Nam, vắc xin MMRV vẫn chưa được phép lưu hành. Còn với vắc xin MMR, khi tiêm trước thai kỳ phụ nữ sẽ tránh được các bệnh cụ thể như:
- Sởi: Gây ra biến chứng viêm phổi, làm giảm khả năng hấp thụ dinh dưỡng của thai nhi, gây suy dinh dưỡng bào thai, thậm chí tử vong.
- Quai bị: Có thể gây viêm buồng trứng ở phụ nữ, làm tăng nguy cơ vô sinh, sảy thai hoặc sinh non.
- Rubella: Nếu nhiễm trong 3 tháng đầu thai kỳ, nguy cơ dị tật bẩm sinh cho thai nhi có thể lên tới 90%, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tim, mắt, não và tai.
Do vắc xin sởi kết hợp như MMR là vắc xin sống giảm độc lực, nên theo khuyến cáo từ WHO và CDC Hoa Kỳ, phụ nữ nên tiêm ít nhất 1 tháng trước khi mang thai. NHS Anh cũng nhấn mạnh rằng, nếu có thể, khoảng cách an toàn từ 1 đến 3 tháng sẽ giúp giảm tối đa mọi rủi ro.
Ảnh minh họa
Bởi vì vắc xin sởi cần thiết để bảo vệ mẹ và bé trong thai kỳ nhưng lại có nguy cơ gây hại nếu tiêm khi đang mang thai, do virus trong vắc xin có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Nên tiêm ít nhất 1 tháng trước khi mang thai để cơ thể kịp tạo miễn dịch đầy đủ. Nếu mang thai ngay sau tiêm, chưa đủ thời gian hình thành kháng thể, hiệu quả bảo vệ không cao.
Nếu đã mang thai, tuyệt đối không tiêm bất kỳ loại vắc xin sởi nào. Nếu không biết mình mang thai và lỡ tiêm vắc xin sởi trong lúc này, cần thăm khám - tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên môn càng sớm càng tốt.
Ngoài ra, người đã từng tiêm đủ 2 liều vắc xin sởi kết hợp theo lịch chuẩn quốc tế thường không cần tiêm lại. Nhưng nếu phụ nữ chuẩn bị mang thai không nhớ rõ đã từng tiêm hay mắc bệnh sởi, quai bị, rubella chưa, nên thực hiện xét nghiệm máu để kiểm tra kháng thể. Trong trường hợp không có đủ miễn dịch, bác sĩ sẽ chỉ định tiêm bổ sung phù hợp.
Nguồn tổng hợp: VNVC, CDC Hoa Kỳ, Báo SKĐS