Tiêm phòng là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để bảo vệ trẻ khỏi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Trong đó, vắc xin sởi và vắc xin viêm não mô cầu đều nằm trong danh mục tiêm chủng mở rộng ở nhiều quốc gia - gồm Việt Nam.
Vắc xin sởi thường được tiêm mũi đầu tiên khi trẻ được 9 tháng tuổi, trong khi vắc xin viêm não mô cầu (tuỳ theo nhóm huyết thanh A, C, W, Y hoặc B) thường được khuyến cáo bắt đầu tiêm từ 6 tuần tuổi trở lên, tuỳ vào từng loại và lịch trình quốc gia. Do vậy, có những thời điểm hai loại vắc xin này được chỉ định tiêm khá gần nhau hoặc thậm chí trùng ngày. Khiến nhiều người, nhất là các bậc phụ huynh lo lắng: Lệu có thể tiêm vắc xin sởi cùng lúc hoặc gần thời điểm với vắc xin viêm não mô cầu hay không?
Có thể tiêm nhiều loại vắc xin cùng lúc hay gần nhau hay không là thắc mắc của nhiều người (Ảnh minh họa)
Câu trả lời là có thể tiêm vắc xin sởi và vắc xin viêm não vô cầu cùng lúc hoặc gần nhau - trong khoảng thời gian khuyến nghị. Điều này được các tổ chức y tế thế giới như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh toàn cầu về Vắc xin và Tiêm chủng (GAVI), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) và Cơ quan Y tế Quốc gia Anh (NHS) công nhận.
Cụ thể, các tổ chức này cho biết việc tiêm cùng lúc hoặc gần nhau vắc xin sởi và vắc xin viêm não mô cầu là hoàn toàn có thể thực hiện được trong đa số trường hợp. Hai loại vắc xin này không gây ảnh hưởng tiêu cực tới hiệu quả miễn dịch của nhau.
Lý do quan trọng nằm ở bản chất khác nhau của hai loại vắc xin. Vắc xin sởi là vắc xin sống giảm độc lực, tức là chứa virus sởi đã được làm yếu đi, giúp kích thích hệ miễn dịch mà không gây bệnh. Ngược lại, vắc xin viêm não mô cầu là vắc xin bất hoạt hoặc polysaccharide kết hợp, không chứa virus sống.
Theo các chuyên gia từ CDC và GAVI, kết hợp tiêm một vắc xin sống và một vắc xin bất hoạt không ảnh hưởng đến hiệu quả miễn dịch, ngược lại còn giúp giảm số lần đến cơ sở y tế và tăng tỷ lệ hoàn thành lịch tiêm chủng đúng hạn. Trên thực tế, trong chương trình tiêm chủng mở rộng nhiều quốc gia, việc phối hợp tiêm cùng lúc các loại vắc xin được khuyến khích nhằm giảm số lần đến cơ sở y tế và tối ưu hóa đáp ứng miễn dịch.
Khi tiêm vắc xin sởi và vắc xin viêm não mô cầu cùng lúc, nhất là với trẻ nhỏ cũng có một vài lưu ý. Các tổ chức tiêm chủng và y tế khuyến nghị nên tiêm 2 loại vắc xin này cùng lúc tại các vị trí khác nhau trên cơ thể, sử dụng kim và bơm tiêm riêng biệt. Việc tiêm đồng thời này không làm giảm hiệu quả của bất kỳ loại vắc xin nào và cũng không làm tăng nguy cơ tác dụng phụ đáng kể.
Còn nếu không tiêm cùng lúc, cần đảm bảo khoảng cách tối thiểu là 4 tuần giữa hai mũi để tránh hiện tượng "can thiệp miễn dịch" – khi hệ miễn dịch chưa kịp phục hồi hoặc đáp ứng không đầy đủ với vắc xin sau.
Có thể tiêm cùng lúc vắc xin sởi và vắc xin viêm não mô cầu (Ảnh minh họa)
Đặc biệt, cũng có một số trường hợp trẻ không nên tiêm vắc xin sởi và vắc xin viêm não mô cầu cùng lúc như:
- Trẻ đang bị bệnh cấp tính hoặc có biểu hiện nhiễm trùng (sốt, ho, tiêu chảy...) cần chờ trẻ hồi phục để đảm bảo vắc xin phát huy hiệu quả tối ưu.
- Trẻ có tiền sử dị ứng với thành phần vắc xin (gelatin, neomycin…) cần được bác sĩ đánh giá kỹ trước khi quyết định tiêm.
- Trẻ có hệ miễn dịch suy yếu (HIV, đang hóa trị, dùng thuốc ức chế miễn dịch) nên thận trọng với vắc xin sống như sởi, có thể phải hoãn hoặc tiêm cách biệt.
- Trẻ từng có phản ứng nghiêm trọng với vắc xin (như sốc phản vệ) cần điều chỉnh lịch tiêm để tránh nguy cơ phản ứng quá mức.
- Khoảng cách với vắc xin sống khác, ví dụ như nếu vừa tiêm một vắc xin sống khác (như thủy đậu), cần chờ ít nhất 4 tuần trước khi tiêm sởi, nếu không tiêm cùng ngày.
Nguồn tổng hợp: CDC Hoa Kỳ, VNVC, BVĐK Vinmec