Không phải tất cả những gì thuộc về cá cũng đều có thể ăn được, bởi có một số bộ phận của cá tiềm ẩn rất nhiều vấn đề sức khỏe khôn lường. Điển hình như trường hợp của cô Châu (51 tuổi) hiện đang sống tại Hàng Châu (Trung Quốc).
Nghe nhiều người truyền miệng về công dụng tuyệt vời của mật cá giúp thanh nhiệt, giải độc và làm sáng mắt nên cô Châu đã mua liền 20 phần mật cá trắm để ăn. Tuy nhiên, lợi đâu chưa thấy mà chỉ sau 3 tiếng, cô Châu cảm thấy đau nhức bụng dữ dội, kèm theo cảm giác buồn nôn. Người nhà cô Châu lo sợ cô bị ngộ độc thực phẩm nên lập tức đưa vào bệnh viện ngay.
Tại bệnh viện, sau khi xét nghiệm, bác sĩ cho biết, vùng gan của cô Châu bị tổn thương nghiêm trọng, chỉ số men gan vượt quá mức cho phép của người bình thường. Nguyên nhân đến từ số mật cá cô Châu đã ăn vào buổi tối hôm đó. Sau đó, cô Châu phải nhập viện và trải qua một đêm lọc sạch chất độc từ cơ quan gan của mình. Thật may là cô Châu được đưa vào viện kịp thời nên đã thoát khỏi cơn nguy hiểm nhanh chóng.
Bác sĩ cho biết, hiện nay nhiều người thường có suy nghĩ là ăn mật cá sẽ giúp làm sáng mắt, thanh nhiệt nhưng họ không hề biết rằng, nếu ăn sai cách thì mật cá sẽ gây ngộ độc vô cùng nghiêm trọng. Mặc dù không phải tất cả các loại mật cá đều có độc nhưng việc ăn nhiều trong một ngày dễ làm tăng cao nguy cơ nhiễm độc nặng.
Với người trưởng thành, chỉ một vài gram mật cá cũng có thể gây ngộ độc, dù là ăn sống hay đã nấu chín, ngâm rượu. Mật cá cũng chứa nhiều men, enzyme và tetrodotoxin. Trong khi đó, tetrodotoxin được xem là chất có hại tới hệ thần kinh, dễ gây mệt mỏi, suy giảm hô hấp, rối loạn hành vi... Một số loại cá có mật độc là cá trắm, cá chép, cá mè, cá diếc... nên bạn cần đặc biệt chú ý.
Qua trường hợp của cô Châu, tốt nhất thì bạn nên loại bỏ những túi mật cá trong quá trình chế biến để phòng tránh nguy cơ bị ngộ độc. Ngoài ra, nếu sau khi ăn cá trong khoảng 24 giờ mà xuất hiện tình trạng buồn nôn, đau bụng, vàng da, tiêu chảy... thì nên chủ động tới bệnh viện ngay.
Source (Nguồn): Sohu