Nam giới tiêm vắc xin HPV thì phòng được những bệnh gì, nên tiêm loại nào?

Chiến My, Theo doisongphapluat.com.vn 22:30 13/07/2025
Chia sẻ

Bởi vì thường gắn liền với bệnh ung thư cổ tử cung, không ít người vẫn lầm tưởng rằng vắc xin HPV không cần thiết với nam giới.

Khi nhắc đến vắc xin HPV, đa số mọi người nghĩ đến phụ nữ và ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, virus HPV cũng là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh nguy hiểm ở nam giới. Việc chủ động tiêm vắc xin không chỉ bảo vệ sức khỏe bản thân mà còn góp phần làm giảm lây truyền HPV trong cộng đồng.

1. Các bệnh nam giới có thể phòng nhờ vắc xin HPV

Mụn cóc sinh dục:

Do virus HPV chủng 6 và 11 gây ra, mụn cóc sinh dục là bệnh lây truyền qua đường tình dục rất phổ biến ở nam giới. Tổn thương thường xuất hiện ở dương vật, bìu, hậu môn và có thể lan sang vùng miệng nếu quan hệ tình dục bằng miệng. Các nốt mụn có thể phát triển thành cụm lớn, gây cảm giác khó chịu, ngứa rát, mất thẩm mỹ và ảnh hưởng đến đời sống tình dục.

Nam giới tiêm vắc xin HPV thì phòng được những bệnh gì, nên tiêm loại nào?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Hiện nay, cả vắc xin HPV4 và HPV9 đều phòng được hai chủng HPV này, giúp giảm nguy cơ mắc và lây truyền mụn cóc sinh dục.

Ung thư dương vật:

Tuy không phổ biến nhưng đây là căn bệnh rất nghiêm trọng, có thể dẫn đến cắt bỏ bộ phận sinh dục nếu phát hiện muộn. Khoảng 50% các ca ung thư dương vật liên quan đến HPV, đặc biệt là chủng 16 và 18. Hai loại vắc xin HPV4 và HPV9 đều có khả năng phòng ngừa hiệu quả. HPV9 còn bảo vệ thêm nhiều chủng nguy cơ cao khác như 31, 33, 45, 52 và 58.

Ung thư hậu môn:

Ung thư hậu môn có tỷ lệ gia tăng ở cả hai giới, đặc biệt ở nam giới có quan hệ đồng giới. Hơn 90% các trường hợp có liên quan đến nhiễm HPV, chủ yếu là HPV 16. Vắc xin HPV4 và HPV9 đều bảo vệ khỏi chủng này, giúp ngăn ngừa các tổn thương tiền ung thư và ung thư hậu môn.

Ung thư vùng đầu - cổ (miệng, họng, amidan, lưỡi):

Nam giới hiện chiếm phần lớn các ca ung thư vùng đầu cổ liên quan đến HPV. Dạng ung thư này đang ngày càng phổ biến do sự gia tăng của quan hệ tình dục bằng miệng. Cả HPV4 và HPV9 đều có tác dụng phòng ngừa chủng HPV 16 - nguyên nhân chính gây ung thư tại các vị trí này. HPV9 còn mở rộng phổ bảo vệ nhờ bao phủ nhiều chủng nguy cơ cao hơn.

2. Lưu ý khi nam giới tiêm vắc xin HPV

Điểm giống nữ giới khi tiêm vắc xin HPV:

- Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo tiêm vắc xin HPV cho cả nam và nữ giới từ 9 đến 45 tuổi.

- Giống như nữ giới, nam giới nên tiêm vắc xin HPV càng sớm càng tốt. Hiệu quả phòng bệnh của vắc xin HPV cao nhất khi tiêm trước khi có quan hệ tình dục.

- Liều tiêm không giống nhau theo độ tuổi: Dưới 15 tuổi chỉ cần 2 mũi, cách nhau ít nhất 6 tháng. Từ 15 tuổi trở lên cần đủ 3 mũi (mũi 1 - mũi 2 sau 1-2 tháng - mũi 3 sau 6 tháng).

Khác biệt so với nữ giới khi tiêm HPV:

- Nữ giới tiêm vắc xin chủ yếu để phòng ung thư cổ tử cung - căn bệnh đặc trưng cho hệ sinh dục nữ. Trong khi đó, nam giới tiêm HPV lại có nguy cơ cao mắc các bệnh khác ung thư dương vật, hậu môn và ung thư vùng miệng họng.

Nam giới tiêm vắc xin HPV thì phòng được những bệnh gì, nên tiêm loại nào?- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

- Do tác dụng của vắc xin mà những loại vắc xin nam giới nên tiêm cũng khác nữ giới. Có 3 loại vắc xin HPV là HPV2, HPV4, HPV9 nhưng HPV2 chủ yếu phòng ung thư cổ tử cung nên nam giới thường không được khuyến nghị tiêm loại này mà tiêm HPV4 và HPV9.

- Nam giới không cần xét nghiệm máu hay kiểm tra có nhiễm HPV hay chưa trước khi tiêm. Vắc xin vẫn có giá trị phòng ngừa các chủng chưa từng nhiễm.

Ngoài ra, cần nhớ rằng dù nam hay nữ thì việc tiêm chủng giúp bảo vệ bản thân và giảm nguy cơ lây HPV cho bạn tình, nhất là những người chưa tiêm phòng. Vắc xin HPV không thay thế được các biện pháp phòng bệnh khác, không có nghĩa là miễn nhiễm hoàn toàn với HPV hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Vẫn nên thực hành quan hệ tình dục an toàn và kiểm tra sức khỏe định kỳ.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày