Giải mã trào lưu ngủ chung với… quả bí đao, bác sĩ: Mát, khỏe thật hay giả 4 kiểu người này cũng KHÔNG học theo

Ngọc Ái, Theo doisongphapluat.com.vn 21:00 13/07/2025
Chia sẻ

Gần đây, hình ảnh người lớn tới trẻ em ôm quả bí đao đi ngủ tràn ngập trên mạng xã hội. Thậm chí tạo thành trào lưu “máy điều hòa thiên nhiên”, tốt cho sức khỏe.

Trào lưu ôm quả bí đao đi ngủ, còn gọi là “ngủ cùng bí đao” bắt đầu từ Trung Quốc, gây sốt tại quốc gia này trong thời gian gần đây và lan sang cả Việt Nam. Nhiều người chia sẻ việc làm nghe có vẻ kỳ cục này giúp họ dễ ngủ và cảm thấy mát mẻ rõ rệt, còn gọi đây là "máy điều hòa tự nhiên".

Lý giải hiện tượng này, các bác sĩ y học cổ truyền cho biết: Bí đao có tính hàn, vị ngọt nhạt, thường dùng để thanh nhiệt, lợi tiểu, giúp giải độc cơ thể khi ăn. Về mặt vật lý, quả bí đao chứa nhiều nước, giữ nhiệt độ mát lạnh, nên khi ôm sẽ tạo cảm giác mát tức thì nếu tiếp xúc cơ thể, nhất là trực tiếp với làn da.

Giải mã trào lưu ngủ chung với… quả bí đao, bác sĩ: Mát, khỏe thật hay giả 4 kiểu người này cũng KHÔNG học theo- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, hiệu quả này chỉ là cảm giác tức thời, không thể có tác dụng tương tự khi ăn uống hay thay thế được các phương pháp làm mát vốn có như quạt, điều hòa, gió trời…

Bác sĩ y học cổ truyền Lý Văn Bân (Trung Quốc) còn cảnh báo, ban đêm là thời điểm dương khí yếu nhất. Việc ôm vật lạnh như bí đao có thể gây tổn thương dương khí, làm suy yếu cơ thể. Y học hiện đại cũng ghi nhận nguy cơ hạ thân nhiệt ngoại vi, co mạch, đau nhức xương khớp nếu tiếp xúc lạnh kéo dài.

4 kiểu người tuyệt đối KHÔNG nên ôm quả bí đao đi ngủ

Như vậy, ôm bí đao đi ngủ thường không gây hại với người khỏe mạnh. Nhưng cần nhớ hiệu quả “mát, khỏe” khi ôm đi ngủ là cảm tính, không nên thần thánh hóa. Đặc biệt, bác sĩ cảnh báo có 4 nhóm người tuyệt đối không nên làm theo trào lưu này:

Người tỳ vị hư (tiêu hóa kém)

Y học cổ truyền cho rằng tỳ vị là trung tâm tiêu hóa. Người tỳ vị hư dễ đau bụng, tiêu chảy, ăn lạnh rất dễ "trúng gió". Ôm bí đao lạnh khi ngủ có thể làm tiêu hóa thêm trì trệ. Y học hiện đại cũng cảnh báo người có hệ tiêu hóa nhạy cảm dễ bị co thắt ruột, đầy hơi khi tiếp xúc lạnh lâu.

Người dương hư (thường lạnh tay chân)

Dương khí giúp giữ ấm cơ thể. Người dương hư sẵn yếu, ôm vật hàn ban đêm càng khiến lạnh bụng, mệt mỏi, rối loạn miễn dịch. Về y học hiện đại, nhóm này dễ bị hạ thân nhiệt, tuần hoàn máu kém, thậm chí mất ngủ vì co cơ.

Người cao tuổi

Người già xương khớp yếu, dễ đau mỏi. Bí đao to, cứng, có thể gây chèn ép khi xoay mình. Y học cổ truyền coi người già là "khí huyết suy", cần giữ ấm. Y học hiện đại cũng chỉ ra nguy cơ té ngã, chèn khớp, chuột rút khi ngủ cùng vật lạnh, nặng.

Trẻ em thể trạng yếu

Trẻ nhỏ dễ nhiễm lạnh và chưa biết tự điều chỉnh thân nhiệt. Việc ôm bí đao có thể gây nhiễm lạnh bụng, sốt về đêm, nhất là trẻ suy dinh dưỡng. Y học hiện đại cũng cảnh báo nguy cơ va đập, tổn thương da do tiếp xúc vật cứng, lạnh thời gian dài.

Nếu muốn ôm bí đao đi ngủ, cần lưu ý những gì?

- Không áp sát da: Bí đao có tính hàn, không nên tiếp xúc trực tiếp với da suốt đêm. Hãy bọc quả bằng khăn vải mỏng hoặc vải cotton để giảm tác động lạnh, tránh sốc nhiệt về đêm.

- Chọn bí đao vừa tay, không quá nặng: Nên chọn quả có kích thước phù hợp cơ thể, tránh loại quá lớn có thể gây va đập, chèn ép xương khớp khi xoay người lúc ngủ.

- Rửa sạch vỏ trước khi dùng: Lớp vỏ bí đao thường có lông tơ và tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, dễ gây kích ứng da hoặc dị ứng. Rửa sạch và lau khô kỹ trước khi sử dụng.

Giải mã trào lưu ngủ chung với… quả bí đao, bác sĩ: Mát, khỏe thật hay giả 4 kiểu người này cũng KHÔNG học theo- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

- Chỉ nên dùng 1-2 giờ đầu giấc ngủ: Sau khi đã mát mẻ và dễ ngủ hơn, nên đặt bí đao sang một bên để tránh nhiễm lạnh kéo dài.

- Không áp dụng nếu trong phòng đã bật điều hòa hoặc có quạt mạnh: Kết hợp lạnh từ môi trường và bí đao có thể làm giảm nhiệt độ cơ thể quá mức, gây đau bụng, cảm lạnh.

Nguồn và ảnh: NTDTV, Family Doctor

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày