HPV (Human Papillomavirus) là loại virus phổ biến có thể lây truyền qua tiếp xúc da hoặc đường tình dục. Không chỉ liên quan đến ung thư cổ tử cung, HPV còn gây ra nhiều bệnh ngoài da. Tuy nhiên, không phải bệnh ngoài da nào do HPV cũng có thể được phòng tránh thông qua tiêm vắc xin HPV. Cụ thể như sau:
Mụn cóc thông thường là tổn thương lành tính xuất hiện nhiều ở tay, ngón tay, vùng quanh móng, đôi khi cả ở chân hoặc đầu gối. Chúng có hình dáng sần sùi, thô ráp, màu xám hoặc nâu, thường không đau nhưng gây mất thẩm mỹ và có thể lan rộng nếu không điều trị đúng cách.
Tác nhân chính là các chủng HPV nguy cơ thấp như HPV 1, 2, 4, 27 và 57. Những chủng này lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với da bị tổn thương hoặc qua vật dụng cá nhân nhiễm virus như khăn mặt, dao cạo. Dù gây phiền toái, mụn cóc thông thường không được xếp vào nhóm bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, một số người - đặc biệt là trẻ em và người suy giảm miễn dịch - có nguy cơ bị tái phát nhiều lần.
Vắc xin HPV phòng tránh được không: Hiện tại, các loại vắc xin HPV (HPV2, HPV4, HPV9) không bao gồm các chủng gây mụn cóc thông thường. Vì vậy, tiêm vắc xin không giúp phòng ngừa loại bệnh này.
Khác với mụn cóc thông thường, mụn cóc phẳng là những nốt nhỏ, mềm, có bề mặt nhẵn, màu hồng nhạt, vàng hoặc hơi nâu. Chúng thường mọc thành cụm lớn, chủ yếu ở mặt, cổ, cẳng tay và chân - những vùng da dễ tiếp xúc và ma sát.
Tác nhân thường gặp là HPV 3, 10, 28, 49 - cũng thuộc nhóm nguy cơ thấp. Dù không gây đau, các tổn thương này ảnh hưởng đến ngoại hình và tâm lý, nhất là với nữ giới và người trẻ tuổi.
Vắc xin HPV phòng tránh được không: Vì không nằm trong phổ bảo vệ của các vắc xin hiện nay, mụn cóc phẳng cũng không thể phòng ngừa bằng tiêm vắc xin HPV. Việc điều trị thường cần can thiệp da liễu như bôi thuốc, đốt điện hoặc laser.
Đây là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất do HPV gây ra. Tổn thương xuất hiện ở vùng sinh dục, hậu môn, có thể lan sang bẹn, bìu, âm hộ, âm đạo hoặc cổ tử cung. Mụn cóc sinh dục thường mềm, màu hồng hoặc giống màu da, mọc đơn lẻ hoặc thành cụm như mào gà, súp lơ.
Nguyên nhân chủ yếu là HPV 6 và 11 - hai chủng có khả năng lây nhiễm cao nhưng ít gây ung thư. Tuy nhiên, mụn cóc sinh dục lại có xu hướng tái phát nhiều lần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng đời sống tình dục và tâm lý.
Vắc xin HPV phòng tránh được không: Tin vui là các loại vắc xin HPV thế hệ mới như HPV4 và HPV9 có chứa kháng nguyên chống lại HPV 6 và 11, do đó có thể phòng ngừa hiệu quả loại bệnh này nếu tiêm đầy đủ trước khi có tiếp xúc tình dục. Trong khi đó, vắc xin HPV2 không có tác dụng phòng ngừa mụn cóc sinh dục.
Bowenoid Papulosis là dạng tổn thương biểu hiện bằng các sẩn nhỏ, phẳng hoặc nhô nhẹ, màu hồng, đỏ hoặc nâu, thường xuất hiện ở vùng sinh dục và quanh hậu môn. Về mặt mô học, tổn thương này giống ung thư biểu mô tế bào vảy tại chỗ, nên được xếp vào nhóm tiền ung thư.
Tác nhân chính là các chủng HPV nguy cơ cao, phổ biến nhất là HPV 16 và 18 - cũng chính là những chủng gây ung thư cổ tử cung. Không giống các loại mụn cóc thông thường, Bowenoid Papulosis có thể tiến triển thành ung thư nếu không được phát hiện và điều trị sớm.
Vắc xin HPV phòng tránh được không: Vắc xin HPV2, HPV4 và đặc biệt là HPV9 có khả năng phòng ngừa tốt nhóm virus nguy cơ cao này. Do đó, tiêm vắc xin có thể giúp giảm thiểu đáng kể nguy cơ mắc các tổn thương tiền ung thư vùng da sinh dục.
Kết luận: Mặc dù tiêm vắc xin HPV không giúp phòng tránh được tất cả các bệnh ngoài da do virus HPV gây ra, nhưng vẫn hiệu quả với nhiều chủng. Vì vậy, tiêm vắc xin là cần thiết, nhất là khi ngoài bệnh ngoài da thì nó còn giúp phòng ung thư cổ tử cung, ung thư hầu họng, ung thư dương vật, ung thư âm đạo và âm hộ. Dù nam hay nữ, cũng nên tiêm vắc xin HPV trong độ tuổi từ 9 - 45, càng sớm càng tốt sau 9 tuổi.