Ngày 5/7, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc một bệnh viện thẩm mỹ tại TPHCM, chia sẻ về một ca cấp cứu biến chứng nghiêm trọng do tiêm filler toàn thân. Theo thông tin từ bác sĩ Tú Dung cho biết, cô gái trẻ 25 tuổi đã phải trải qua hơn 60 ca phẫu thuật trong suốt 6 năm vì tiêm filler toàn thân, dẫn đến hoại tử nghiêm trọng vùng đùi.
Đây là ca cấp cứu được đánh giá là lớn nhất từ trước đến nay tại Bệnh viện Thẩm mỹ JW (TPHCM), nơi tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, cả thể chất lẫn tinh thần.
Trong phòng mổ, tiếng kêu cứu xé lòng của cô gái vang lên: “Bác sĩ ơi, cứu con với!... Khâu khép lại giúp con. Con đau lắm, con chịu không nổi nữa”. Đó không chỉ là lời cầu xin mà còn là khởi đầu của một ca phẫu thuật căng thẳng, đối mặt với tình trạng hoại tử nghiêm trọng.
Vùng đùi bị hoại tử nghiêm trọng của cô gái do tiêm filler sai cách. Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung - Giám đốc bệnh viện, bệnh nhân được đưa đến cấp cứu trong trạng thái hoảng loạn, đau đớn tột độ. “Dù chưa tháo lớp băng ép, chúng tôi đã ngửi thấy mùi hôi nồng nặc từ dịch mủ và máu thấm qua gạc. Toàn bộ vùng đùi phải sưng phù, tím tái, lở loét sâu đến 10x25 cm, lộ trơ bó cơ mặt trong như một vết thương chiến trường,” bác sĩ Tú Dung chia sẻ.
Bệnh nhân đã trải qua hơn 60 lần phẫu thuật trong 6 năm: Rạch, khâu, ghép da, dẫn lưu, cắt lọc – một vòng luẩn quẩn của đau đớn thể xác và khủng hoảng tinh thần.
Cô gái cho biết bắt đầu tiêm filler từ năm 2019, không chỉ ở Việt Nam mà còn bay sang Dubai. Bất kỳ vùng nào trên cơ thể cô thấy chưa đẹp từ mặt, mông, đùi đến bụng đều được tiêm. Loại filler sử dụng không rõ nguồn gốc và các biến chứng liên tục tái phát: mưng mủ, nhiễm trùng, hoại tử. Mỗi lần biến chứng xảy ra, cô lại nhập viện, lên bàn mổ: rạch, khâu, ghép da, dẫn lưu... Hành trình cứ thế lặp lại trong đau đớn và ám ảnh.
“Cứ thấy chưa đẹp là tiêm tiếp… lần này ở Việt Nam, lần sau lại qua Dubai. Mổ, khâu, vá da... hết vùng bụng lại đến bẹn. Tôi không nhớ nổi mình đã lên bàn mổ bao nhiêu lần nữa”, cô gái vừa kể vừa đưa tay chỉ lên những vết sẹo chi chít hằn khắp người.
Biến chứng bắt đầu xuất hiện, buộc cô phải nhập viện phẫu thuật liên tục. Sau mỗi lần mổ, tưởng chừng đã ổn, nhưng hoại tử lại tái phát ở vị trí khác.
Hai tuần trước khi nhập viện, tình trạng cô chuyển biến xấu nhanh chóng. Vùng đùi phải sưng tấy, đỏ rực, đau như bị hàng trăm mũi dao đâm. Dịch mủ chảy ra từng đợt. Một bệnh viện khác đã mổ sơ khởi nhưng không kiểm soát được, khiến hoại tử lan rộng. Cuối cùng, cô được chuyển đến trong tình trạng kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần.
Các bác sĩ phẫu thuật lấy những filler vón cục, ăn mòn toàn bộ cơ đùi cho bệnh nhân - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Ca phẫu thuật kéo dài gần 5 giờ là một thử thách rất lớn với ê-kíp bác sĩ. “Tôi đã từng mổ rất nhiều ca biến chứng do filler từ ngực, mông đến mặt nhưng chưa một lần nào, tôi và ê-kíp phải đối diện với cảm giác căng thẳng, nghẹt thở đến thế vì ổ áp xe ăn sâu toàn bộ mặt trong đùi phải.
Filler đã vón cục thành từng khối rắn, len lỏi như tổ ong giữa các lớp cơ. Mô mềm hoại tử lan từ bẹn đến đầu gối, mủ đặc sánh. Chúng tôi phải mổ như những nhà khảo cổ tách từng lớp mô, nạo vét từng ổ áp xe, tránh tổn thương bó mạch lớn,” bác sĩ Tú Dung cho biết.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân được đặt hệ thống hút áp lực âm (VAC) để dẫn lưu mủ, kết hợp truyền kháng sinh phổ rộng và điều trị bằng plasma lạnh nhằm kháng khuẩn, giảm viêm, ổn định tâm lý và chuẩn bị cho các can thiệp tiếp theo.
Bác sĩ Tú Dung nhấn mạnh, filler không sai, nhưng sử dụng sai cách, sai nơi, sai người có thể dẫn đến hậu quả khôn lường. Tiêm filler bởi người thiếu chuyên môn hoặc dùng sản phẩm trôi nổi là “hành vi tự sát trong im lặng”.
Những ca như trên không chỉ gây hoại tử từng lớp cơ mà còn có thể dẫn đến tử vong. Quan niệm “tiêm nhanh-đẹp tức thì-không đau, không rủi ro” là ảo tưởng nguy hiểm.
Bác sĩ Dung khuyến cáo, trước khi quyết định tiêm filler, hãy chọn cơ sở uy tín, bác sĩ có chuyên môn và sản phẩm đảm bảo nguồn gốc.