Làm gì sau khi tiêm vắc xin HPV để giảm đau, bớt mệt mỏi?

Chiến My, Theo https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn 22:30 03/07/2025
Chia sẻ

Mức độ mệt mỏi và thời gian hồi phục sau khi tiêm vắc xin HPV ở mỗi người là khác nhau. Không chỉ bởi hệ miễn dịch mà còn vì một số người biết nên làm gì và tránh việc gì sau tiêm.

Sau khi tiêm vắc xin HPV, không ít người gặp tình trạng mệt mỏi, đau cơ hoặc sưng đỏ tại vị trí tiêm. Đây là những phản ứng thường gặp, cho thấy cơ thể đang kích hoạt hệ miễn dịch để tạo kháng thể. Bạn hoàn toàn có thể áp dụng một số biện pháp đơn giản sau đây để giảm cảm giác khó chịu, hỗ trợ cơ thể phục hồi nhanh hơn:

1. Ở lại điểm tiêm chủng theo dõi ít nhất 15-30 phút

Sau khi tiêm, hãy ở lại khu vực tiêm chủng ít nhất 15-30 phút để nhân viên y tế theo dõi phản ứng sớm. Dù phản ứng nghiêm trọng với vắc xin HPV là rất hiếm, nhưng nếu xảy ra, việc xử lý kịp thời sẽ đảm bảo an toàn tối đa cho bạn.

2. Chườm lạnh hoặc chườm ấm đúng cách tại chỗ tiêm

Làm gì sau khi tiêm vắc xin HPV để giảm đau, bớt mệt mỏi?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Chườm lạnh trong 6-12 giờ đầu sau tiêm giúp giảm sưng đau. Dùng túi đá hoặc khăn bọc đá chườm nhẹ vài phút mỗi lần, tránh chườm trực tiếp lên da để không gây bỏng lạnh. Hoặc chườm ấm sau 24 giờ nếu vùng tiêm vẫn đau hoặc bầm nhẹ. Nhiệt ấm sẽ giúp lưu thông máu, giảm đau cơ hiệu quả.

3. Vận động nhẹ cánh tay được tiêm

Đừng để cánh tay tiêm bị bất động quá lâu. Những chuyển động đơn giản như xoay vai, nâng nhẹ tay sẽ giúp máu lưu thông tốt hơn, giảm cảm giác tê mỏi. Tuy nhiên, cần tránh các hoạt động mạnh, chơi thể thao cường độ cao hoặc mang vác nặng trong 1-2 ngày đầu sau tiêm.

4. Uống đủ nước và ăn uống lành mạnh

Sau khi tiêm vắc xin HPV uống nhiều nước (2-2,5 lít mỗi ngày) giúp duy trì quá trình trao đổi chất, hỗ trợ cơ thể xử lý phản ứng miễn dịch hiệu quả. Đồng thời, nên ăn đủ chất với thực phẩm giàu vitamin và khoáng như rau xanh, trái cây, thịt nạc, ngũ cốc nguyên cám giúp tăng sức đề kháng. Tránh đồ cay nóng, chiên rán nhiều dầu mỡ hoặc rượu bia vì dễ làm cơ thể thêm mệt mỏi.

Làm gì sau khi tiêm vắc xin HPV để giảm đau, bớt mệt mỏi?- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

5. Ngủ đủ và hạn chế hoạt động gắng sức

Giấc ngủ chất lượng đóng vai trò quan trọng sau tiêm. Hãy đảm bảo bạn ngủ đủ 7-9 tiếng mỗi đêm, tránh làm việc quá sức hoặc luyện tập thể thao nặng trong 48 giờ đầu. Nghỉ ngơi hợp lý giúp hệ miễn dịch sản sinh kháng thể tốt hơn.

6. Dùng thuốc hạ sốt, giảm đau nếu cần thiết

Nếu bị sốt nhẹ hoặc đau nhức nhiều, có thể dùng Paracetamol (Acetaminophen) theo hướng dẫn để giảm triệu chứng. Tránh tự ý dùng các thuốc kháng viêm như Ibuprofen hoặc Naproxen nếu không có chỉ định bác sĩ, vì một số nghiên cứu cho rằng nhóm thuốc này có thể ảnh hưởng đến phản ứng miễn dịch của cơ thể sau tiêm.

Làm gì sau khi tiêm vắc xin HPV để giảm đau, bớt mệt mỏi?- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

7. Theo dõi cơ thể và liên hệ bác sĩ nếu có triệu chứng bất thường

Sau khi theo dõi 15-30 tại cơ sở tiêm chủng, về nhà bạn vẫn cần tự theo dõi sát sao trong 48 giờ. Hầu hết phản ứng phụ sẽ giảm sau 1-2 ngày. Tuy nhiên, hãy đến cơ sở y tế nếu gặp các dấu hiệu sau:

- Sốt cao trên 39 độ C kéo dài hoặc không giảm dù đã dùng thuốc.

- Vùng tiêm đỏ, sưng, nóng, đau dữ dội hoặc có mủ.

- Khó thở, phát ban toàn thân, sưng môi - họng, chóng mặt, ngất xỉu (nghi ngờ phản ứng dị ứng nặng).

- Các biểu hiện bất thường khác khiến bạn lo lắng.

Áp dụng đúng các biện pháp trên sẽ giúp bạn giảm tối đa cảm giác mệt mỏi sau tiêm vắc xin HPV, đồng thời đảm bảo hiệu quả bảo vệ mà vắc xin mang lại. Hãy lắng nghe cơ thể và đừng quên nhắc lịch tiêm nhắc lại đúng hẹn để có miễn dịch bền vững lâu dài.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày