Mụn cóc sinh dục (còn gọi là sùi mào gà) là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất hiện nay. Dù không gây ung thư trực tiếp, bệnh vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng cho sức khỏe sinh sản, tâm lý và chất lượng sống của người mắc. Hiểu đúng về bệnh và lựa chọn đúng loại vắc xin HPV để phòng ngừa là điều cần thiết.
Mụn cóc sinh dục là các nốt u nhú mềm, có thể mọc đơn lẻ hoặc thành cụm, thường xuất hiện ở vùng kín hoặc quanh hậu môn. Bệnh do virus HPV gây ra, chủ yếu là hai chủng HPV 6 và 11 - thuộc nhóm nguy cơ thấp, nhưng rất dễ lây và khó điều trị dứt điểm.
Ảnh minh họa
Đặc điểm nhận biết mụn cóc dinh dục:
- Nốt mụn màu hồng, đỏ hoặc trùng màu da, bề mặt sần sùi như súp lơ hoặc phẳng.
- Không đau nhưng có thể gây ngứa, tiết dịch, chảy máu nhẹ khi cọ xát.
- Kích thước đa dạng, dễ lan rộng nếu không điều trị kịp thời.
Vị trí thường mọc của mụn cóc sinh dục cũng khác nhau đáng kể giữa nam và nữ:
- Nữ giới: Mụn mọc ở âm hộ, trong âm đạo, cổ tử cung, quanh hậu môn và vùng mu. Các tổn thương bên trong như cổ tử cung có thể không thấy bằng mắt thường nhưng vẫn gây nguy hiểm.
- Nam giới: Mụn thường xuất hiện ở dương vật, rãnh quy đầu, bìu, quanh hậu môn, hoặc vùng bẹn. Nếu có quan hệ bằng miệng, mụn có thể mọc ở miệng, lưỡi hoặc cổ họng.
Mức độ nguy hiểm của mụn cóc sinh dục là dù không gây ung thư nhưng có khả năng:
- Tái phát cao sau điều trị, có thể lan rộng hơn và khó kiểm soát.
- Gây viêm nhiễm kéo dài, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, đặc biệt nếu tổn thương ở cổ tử cung.
- Gây tắc đường sinh ở phụ nữ mang thai, tăng nguy cơ lây bệnh cho trẻ sơ sinh nếu sinh thường.
- Tác động tiêu cực đến tâm lý, gây mặc cảm, mất tự tin trong đời sống tình dục.
Tiêm vắc xin HPV loại nào mới phòng chống được mụn cóc sinh dục?
Vắc xin HPV là biện pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa mụn cóc sinh dục. Tuy nhiên, không phải loại vắc xin nào cũng giúp phòng bệnh này. Để bảo vệ khỏi mụn cóc sinh dục, vắc xin cần bao phủ hai chủng HPV 6 và 11 - nguyên nhân chính gây bệnh.
Ảnh minh họa
Về cơ bản, có 3 loại vắc xin HPV phổ biến hiện nay:
- HPV2 (bảo vệ 2 chủng - HPV 16, 18): Ngừa ung thư cổ tử cung, không ngừa mụn cóc sinh dục vì không bao gồm HPV 6 và 11.
- HPV4 (bảo vệ 4 chủng - HPV 6, 11, 16, 18): Ngừa cả ung thư cổ tử cung và mụn cóc sinh dục.
- HPV9 (bảo vệ 9 chủng - HPV 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52, 58): Phổ bảo vệ rộng nhất hiện nay, chống được mụn cóc sinh dục và 7 chủng HPV gây ung thư nguy cơ cao.
Như vậy, muốn phòng ngừa mụn cóc sinh dục hiệu quả, cần tiêm HPV4 hoặc HPV9. Trong đó, HPV9 được ưu tiên hơn vì bảo vệ được cả bệnh sùi mào gà và các chủng HPV gây ung thư cổ tử cung, âm đạo, hậu môn… Cả nam và nữ từ 9-45 tuổi đều nên tiêm, hiệu quả cao nhất nếu tiêm trước khi có quan hệ tình dục hoặc tiêm càng sớm thì càng tốt. Ngoài ra, nên nhớ vắc xin không thay thế các biện pháp bảo vệ khác, vẫn cần quan hệ tình dục an toàn và khám sức khỏe định kỳ.