Huyền Sử Vua Đinh: 5 ngày công chiếu chỉ thu về 45 triệu, mấp mé "thảm họa" điện ảnh Việt

Lê Hồng Lâm, Trầm Mặc, Theo Tuổi Trẻ 14:20 22/11/2022
Chia sẻ

Ra rạp từ ngày 18-11, Huyền Sử Vua Đinh là một trong số ít những phim khai thác đề tài lịch sử quân sự. Tuy nhiên, trái ngược với kỳ vọng, bộ phim nhanh chóng lộ rõ nhiều điểm thiếu sót, mấp mé bên bờ vực "thảm họa" điện ảnh Việt.

Huyền Sử Vua Đinh: 5 ngày công chiếu chỉ thu về 45 triệu, mấp mé thảm họa điện ảnh Việt - Ảnh 1.

Huyền sử vua Đinh đang là một trong những bộ phim có doanh thu thấp nhất điện ảnh Việt

Khi khán giả vẫn chưa hết ngao ngán với những "thảm họa" điện ảnh: Virus Cuồng Loạn, Cù Lao Xác Sống, Duyên Ma… thì nay lại phải thêm thất vọng với một thể loại phim khác được gắn kèm hai chữ lịch sử.

Huyền Sử Vua Đinh - tự hào dân tộc hay “thảm họa” điện ảnh Việt?

Ngay từ đoạn giới thiệu, Huyền Sử Vua Đinh đã sớm nhận về nhiều tranh cãi vì sự thiếu chuyên nghiệp trong việc xây dựng hình ảnh, kỹ thuật, diễn xuất và bối cảnh. Người xem không khó để bắt gặp các đồ vật thuộc về thời hiện đại như trụ điện, bóng đèn, ngôi nhà cấp 4… ngay cả hình ảnh thích khách với mái tóc ngắn nhuộm vàng, nâu đỏ cũng được phơi bày trước ống kính.

Không dừng tại đó, xét về mặt nội dung, bộ phim khó có thể làm hài lòng khán giả với lối kể khô cứng, thiếu sự liên kết. Đạo diễn Anthony Võ chọn xây dựng bộ phim theo cấu trúc thời gian tuyến tính, khởi đầu từ việc Đinh Bộ Lĩnh bình ổn gia tộc cho đến quá trình dẹp loạn 12 sứ quân.

Tuy nhiên, vì chỉ tập trung bám vào cột mốc lịch sử mà không tạo dựng số phận con người, sự mâu thuẫn và mối liên hệ giữa các nhân vật nên câu chuyện nhanh chóng trở nên nhàm chán, có phần giống với bộ phim tài liệu minh họa lịch sử, thay vì một tác phẩm điện ảnh có cao trào và nút thắt rõ ràng.

Huyền Sử Vua Đinh: 5 ngày công chiếu chỉ thu về 45 triệu, mấp mé thảm họa điện ảnh Việt - Ảnh 3.

Cột điện, nhà cấp 4, tóc nhuộm... xuất hiện trong nhiều phân cảnh

Khán giả Vy Hà nhận xét: "Làm phim lịch sử là tốt. Hoan nghênh. Nhưng nếu đã muốn làm phim về nó thì xin tìm hiểu, phân tích những chi tiết bối cảnh và nhân vật lịch sử một cách có hệ thống và chỉn chu. Ngay cả trang phục lẫn tuyển chọn diễn viên cũng không ổn thì làm sao đánh giá cao được".

Trong bối cảnh phim ảnh được sản xuất với số lượng khổng lồ như hiện tại, việc những bộ phim chất lượng kém như Cù Lao Xác Sống, Virus Cuồng Loạn, Huyền Sử Vua Đinh… lần lượt ra rạp khiến khán giả không khỏi thất vọng và mất niềm tin vào điện ảnh Việt.

Nhà báo - nhà phê bình Lê Hồng Lâm cho biết: "Bất kỳ ngành điện ảnh nào thì phim dở vẫn chiếm đa số, nhưng Việt Nam không chỉ dở mà còn thảm họa nữa. Những điều ngây ngô, ấu trĩ, yếu kém ở nhiều mặt vẫn còn tồn tại. Tôi nghĩ đây là một sự lãng phí quá lớn đối với những tài nguyên điện ảnh vốn ít ỏi ở nước ta".

Lòng thương không cứu được tác phẩm dở

Nói về lý do chọn làm phim về đề tài lịch sử, bà Thúy Lành - giám đốc sản xuất Huyền Sử Vua Đinh - chia sẻ trên trang Facebook cá nhân: "Đề tài phim lịch sử Việt Nam rất hay nhưng ít người dám khai thác vì bị dư luận và các nhà chuyên môn rất khắt khe quan tâm. Nếu không ai dám làm thì phim lịch sử Việt Nam sẽ đi về đâu? Các thế hệ tương lai sẽ đón nhận lịch sử bằng cách nào để có thể yêu thích và tự hào về nó?

Tôi và ê kíp sẵn sàng đón nhận tất cả những khen chê của khán giả, miễn là phim được ra rạp và góp phần nhỏ bé trong việc đưa lịch sử Việt Nam và lòng tự hào dân tộc đến gần hơn với quần chúng".

Tuy nhiên, sau năm ngày công chiếu, Huyền Thoại Vua Đinh chỉ thu về 45 triệu đồng, trở thành một trong những bộ phim có doanh thu thấp nhất điện ảnh Việt. Ngay tại thời điểm ra mắt, nhiều rạp chiếu rơi vào tình trạng vắng bóng khán giả.

Huyền Sử Vua Đinh: 5 ngày công chiếu chỉ thu về 45 triệu, mấp mé thảm họa điện ảnh Việt - Ảnh 4.

Sự lỗi thời, qua loa trong việc đầu tư bối cảnh khiến phim nhận về nhiều ý kiến trái chiều

Nhìn về dòng chảy điện ảnh Việt Nam hiện tại, không khó để thấy đề tài lịch sử vẫn đang là cánh cửa hẹp khiến nhiều nhà làm phim ái ngại chuyện tiếp cận.

Với bộ phim chọn khai thác đề tài lịch sử như Huyền Sử Vua Đinh, đây là một điều đáng trân trọng. Nhưng sự trân trọng sẽ đi kèm ủng hộ nếu bộ phim đạt được chất lượng xứng tầm với cái mác "điện ảnh" - thay vì cố đấm ăn xôi để ra rạp và sống nhờ lòng thương từ phía khán giả.

"Với khán giả, chỉ có duy nhất chất lượng. Không thể nói rằng 'làm phim cực lắm' hay 'tôi phải tôn vinh các giá trị văn hóa bản sắc dân tộc'. Đôi khi chúng ta phải nói những lời nặng để họ tỉnh ngộ. Họ vẫn ảo tưởng nhiều vào nền điện ảnh và phải có những cú ngã ngựa, những cú tát trực tiếp và sự lạnh lùng, xa lánh thì may ra mới tỉnh được. Đó là một cuộc đào thải khắc nghiệt nhưng cần thiết" - nhà phê bình Lê Hồng Lâm nhận xét.

Làm phim lịch sử cần chọn tấm áo phù hợp

Lịch sử Việt Nam chúng ta có rất nhiều câu chuyện hay, không cần phải hoành tráng với những trận đánh lớn, những câu chuyện thâm cung bí sử hay nồi da xáo thịt… đều là những câu chuyện hay. Nhưng để làm được một bộ phim lịch sử vẫn là khó.

Như Đêm Hội Long Trì, đó là một trong những bộ phim lịch sử làm khá tốt. Khi bắt đầu làm những bộ phim lịch sử Việt Nam, chúng ta có thể chọn những câu chuyện như vậy. Khi chất lượng được nâng tầm theo thời gian thì hãy nghĩ đến những bộ phim lớn.

Có những đạo diễn suy nghĩ đến việc làm phim về những nhân vật như Trần Hưng Đạo, Lê Lợi… nhưng giai đoạn này tôi nghĩ chưa đủ để làm, chúng ta thiếu cả tiền, kỹ thuật lẫn tài năng.

Trong thời buổi điện ảnh phát triển như hiện tại với những công nghệ như Avatar, Marvel… vô hình trung những bộ phim lịch sử Việt Nam với cách kể ngây ngô, tiền bạc ít, kỹ thuật kém thì chắc chắn sẽ thất bại.

Có rất nhiều điểm khó của phim lịch sử Việt Nam, nhưng trong lúc đó chúng ta có thể tìm một "cửa ngách", một câu chuyện chạm vào khán giả nhất, đánh vào lòng tự hào của khán giả thì may ra mới tìm được lối thoát cho phim lịch sử Việt Nam.

Ảnh: BHD 

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày