Trong muôn vàn cách giảm cân giữ dáng, có một kiểu ăn kiêng được rất nhiều chị em yêu thích đó là uống nước ép hoa quả thay cơm. Nhiều người nghĩ: Ăn thức ăn sẽ gây nặng bụng, vì thế mỗi bữa sẽ uống một cốc nước ép trái cây, vừa nhẹ nhàng, vừa được cung cấp nhiều vitamin để làm đẹp da. Tuy nhiên, cách giảm cân này đang nhận được sự phản đối của giới chuyên gia y tế.
Không như nhiều người nghĩ: Nước hoa quả chỉ chứa nước và vitamin nên có thể giúp giảm cân. Sự thật là trong mỗi cốc nước ép trái cây có chứa cả một "kho" đường.
Bác sĩ đa khoa Nguyễn Xuân Quang (Học viện Quân Y) phân tích như sau: Để có một cốc nước ép hoa quả, bạn phải sử dụng 1 lượng hoa quả gấp nhiều lần so với lượng mà bạn ăn cả quả. Ví dụ bạn ăn một quả táo là đã no, nhưng để có một cốc nước ép bạn phải cần đến 3 quả táo, do đó lượng đường bạn đã tiêu thụ sẽ tăng lên gấp nhiều lần.
(Ảnh minh họa)
Hơn nữa, trong nước ép có tỉ lệ chất xơ rất thấp, hoặc gần như bằng không. Bác sĩ Quang cho rằng, tỉ lệ đường/chất xơ có liên quan mật thiết đến chỉ số đường huyết (GI). Cùng một lượng đường, nhưng tỉ lệ chất xơ càng cao thì GI càng thấp, và ngược lại.
Khi chúng ta tiêu thụ thực phẩm có chứa GI thấp thì đường huyết sẽ thay đổi từ từ, ổn định hoặc tăng không quá cao. Còn khi ta tiêu thụ những món ăn có chứa GI cao như nước ép sẽ khiến đường huyết tăng nhanh, sau đó cũng hạ xuống nhanh. Điều này thúc đẩy cơ thể sản xuất một hormone kiểm soát đường huyết có tên là insulin, đồng thời tăng tích lũy mô mỡ.
Bên cạnh đó, bác sĩ Quang cũng cảnh báo rằng, thời gian uống một cốc nước ép nhanh hơn nhiều so với việc ăn cả quả, điều đó khiến bạn nạp một lượng đường lớn trong thời gian ngắn. Thói quen này thúc đẩy nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
(Ảnh minh họa)
"Muốn giảm cân, thay vì uống nước ép chị em nên ăn cả quả. Hoặc có thể sử dụng rau xanh làm nguyên liệu cho món nước ép, có thể thêm một chút hoa quả để tăng hương vị", BS Quang khuyến cáo.
Việc giảm cân quá nhanh, sau đó tăng cân nhanh sẽ gây mệt mỏi cho cơ thể, đồng thời khiến các cơ quan nội tạng bị tổn thương do thiếu năng lượng, mất nước điện giải, đặc biệt gây hại cho thận. Ngoài ra, cơ thể bị mất điện giải nhiều sẽ gây hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, chuột rút tay chân...
Muốn giảm cân chúng ta cần kiểm soát calo đầu vào và calo đầu ra. Calo đầu vào được quyết định bằng việc chúng ta ăn gì, uống gì; mọi đồ ăn, thức uống ta đưa vào cơ thể đều sẽ biến thành calo (trừ nước lọc). Còn calo đầu ra phụ thuộc vào cách tiêu hao năng lượng của cơ thể chúng ta (ví dụ làm việc, lao động, thể dục thể thao).
Nhìn chung, một cơ thể khỏe mạnh là cơ thể có cân nặng ổn định, không nên cố gắng tăng hoặc giảm quá nhanh. Để giữ cho cân nặng luôn ổn định, ThS.BS Dương Quốc Phong (Bệnh viện Thống Nhất và là giảng viên Khoa Y, Đại học Quốc Gia TP.HCM) khuyến cáo:
- Mọi người cần tránh các thực phẩm cung cấp năng lượng nhiều như: bánh rán, thịt nhiều mỡ, đồ chiên, xào.
- Giảm tiêu thụ các loại thực phẩm có năng lượng rỗng như bánh kẹo, nước ngọt có gas, bia…
- Nên tăng cường sử dụng thực phẩm có tác dụng gây no, không chứa năng lượng nhưng vẫn an toàn cho sức khỏe như rau xanh, trái cây.
- Tăng cường tập luyện thể dục thể thao để tiêu thụ năng lượng, ít nhất 30 phút/ngày.