Học mẫu giáo là bước ngoặt đầu đời của mỗi đứa trẻ. Ở đây, chúng sẽ bắt đầu được làm quen với môi trường kỷ luật, có khuôn khổ, từ đó hình thành nếp sống ngăn nắp và tự rèn luyện cho mình các kỹ năng sống. Tuy vậy, việc gửi con đến một nơi khác lại khiến cho bố mẹ không ít lo lắng, đôi khi chính vì điều này mà giữa phụ huynh và nhà trường lại xảy ra những mâu thuẫn vụn vặt không đáng có.
Một giáo viên tại Trung Quốc gặp phải tình huống oái oăm gần như là lớn nhất trong những năm từng đi dạy của mình. Theo đó, cô giáo này được phân công chăm sóc cho một lớp mẫu giáo nhỏ. Ngay từ đầu năm học, cô rất cẩn thận tập cho học trò của mình các kỹ năng vệ sinh cá nhân và luôn dặn dò các em thông báo với cô giáo nếu gặp các vấn đề như mắc vệ sinh, đau ốm,... Nhiều gia đình cũng tự trang bị các kiến thức này trước cả khi đưa con đến trường.
Nhưng để trẻ tự ý thức được việc tiểu tiện hay đại tiện 100% là điều không thể, đôi khi vẫn có trường hợp học trò tè dầm và giáo viên cũng phải là người giải quyết vấn đề trên. Còn với cô giáo trong câu chuyện lại gặp tình huống tệ hơn đó là 1 đứa trẻ đã "ị" ra quần.
Trước đó, dù đã nói với cô là mắc vệ sinh nhưng trong lúc đưa đứa bé này vào toilet thì em đã "xả" ra khiến cô không kịp trở tay. Vị giáo viên cũng thông cảm vì nghĩ rằng đứa trẻ có vấn đề về tiêu hóa nên mới xảy ra sự việc đáng tiếc này. Các học sinh khác đều nhìn đứa bé kia với ánh mắt dè bỉu và ai cũng bịt mũi vì mùi hôi từ chiếc quần. Cô giáo đành đưa đứa trẻ đi rửa ráy, vệ sinh và tìm quần áo mới cho em thay tạm thời.
Còn bộ đồ đã bị vấy bẩn, cô giúp trẻ giặt sạch, riêng quần trong và áo trong, vì đã dính phân và có mùi hôi nồng nặc, cô giáo thiết nghĩ có giặt cũng không thể làm sạch hết được nên mang chúng đi bỏ, vì chỉ là quần áo lót nên bố mẹ có thể mua lại cho đứa bé mà không tốn bao nhiêu chi phí.
Tan học, mẹ đứa trẻ đến trường vội cám ơn cô giáo rối rít vì đã chăm sóc cho con gái mình trong lúc bé đang bị tiêu chảy. Chẳng những thế, người mẹ này còn cảm động khi biết cô giáo cũng tự tay giặt lại quần áo bẩn cho con, nhưng khi biết tin cô đã vứt bỏ quần áo lót, người mẹ liền thay đổi sắc mặt.
Thấy phụ huynh tỏ vẻ không hài lòng, vị giáo viên ngỏ lời muốn mua lại cho đứa trẻ một bộ đồ lót khác. Thế nhưng người mẹ tỏ ra "quá quắt" khi đòi cô giáo bồi thường 10.000 Nhân dân tệ tức là xấp xỉ 35 triệu đồng. Cô giáo hết sức phẫn nộ vì màn "vòi vĩnh" vô lý này của người nhà học trò.
Cô giáo sững sờ vì 10.000 tệ gấp rất nhiều lần giá trị thật của một bộ quần áo lót, không những thế, chúng còn chẳng phải hàng hiệu gì. Người mẹ kia cho rằng, giáo viên đã vứt bỏ quần áo bẩn của con mình chẳng khác gì tự ý hủy hoại tài sản cá nhân của gia đình họ. Hỏi ra mới biết, đây là một quan niệm của vùng quê nơi gia đình của đứa trẻ này sinh sống, theo đó họ cho rằng kể cả quần áo cũ cũng không thể vứt đi vì nó mang theo tài vận của cả nhà.
Nhưng cô giáo vẫn cảm thấy đòi hỏi này của phụ huynh là vô lý, trong khi mình đã sẵn lòng dọn dẹp và giúp đứa trẻ trong tình huống tồi tệ nhưng nhận lại một cái kết không thể đắng hơn.
Ở trường hợp này, dân mạng cho rằng đôi bên đều có lỗi, trong khi cô giáo lại tự ý vứt bỏ đồ cá nhân của trẻ khi không được sự cho phép của gia đình thì phụ huynh lại phủi tay quên luôn những giúp đỡ của cô giáo đối với con mình và có cách hành xử hơi quá đáng chỉ vì 1 quan niệm địa phương.
Theo Sina