Tờ The Paper của Trung Quốc ngày 4/12 dẫn tin, ông Lưu 58 tuổi rất thích ăn bưởi, nên sau giờ làm việc, ông hay mang một quả bưởi về nhà và một mình ăn hết cả quả. Cách đây không lâu, ông Lưu đột nhiên bị đau nhức chân tay, yếu sức, sau đó các triệu chứng của ông ngày càng nặng hơn, thậm chí nó khiến ông không thể đi lại được... Gia đình lúc này mới vội đưa ông đến bệnh viện.
Xét nghiệm máu của ông Lưu, bác sĩ phát hiện ra rằng Creatine kinase (enzyme xúc tác hỗ trợ phản ứng sinh hóa chuyển creatine thành phosphocreatine) cao hơn bình thường gấp 5 lần. Đây là biểu hiện của sự tiêu cơ do chấn thương cấp tính, được gọi là hội chứng tiêu cơ vân!
Ảnh minh họa: Yaoiyui
Hội chứng tiêu cơ vân liên đến sự phá hủy và tan rã của cơ vân do nhiều nguyên nhân như bị chấn thương, tập thể dục quá mạnh, sốt cao, thuốc, viêm... Nó cho phép các thành phần tế bào cơ của cơ thể như creatine kinase và myoglobin xâm nhập vào dịch ngoại bào và tuần hoàn máu, gây rối loạn môi trường sống trong cơ thể con người.
Các triệu chứng của bệnh bao gồm nước tiểu sẫm màu như nước tương, suy nhược, sốt... Các triệu chứng nặng có thể gây suy tim, tức ngực, thở khò khè và tử vong sau 10 ngày nếu không được điều trị kịp thời.
Bệnh này thường do bất cẩn sau khi vận động quá sức nhưng ông Lưu không tập thể dục và cũng không vô tình bị thương. Vậy tại sao ông Lưu lại mắc hội chứng tiêu cơ vân?
Bác sĩ hỏi thăm thói quen ăn uống, nghỉ ngơi của ông Lưu trong những ngày qua và kiểm tra toàn diện thì phát hiện ra rằng ông Lưu bị tăng lipid máu cách đây 3 tháng và đã uống thuốc atorvastatin để điều trị hạ lipid máu theo khuyến cáo của bác sĩ. Trước khi bị bệnh này, ông đã có thói quen ăn bưởi mỗi ngày.
Thực tế, việc ăn bưởi và dùng thuốc thuộc nhóm statin cùng nhau là nguyên nhân lớn nhất gây ra chứng tiêu cơ vân. Bởi các hoạt chất như furanocoumarin, naringenin và cam bergamot chứa trong quả bưởi (đặc biệt là bưởi chùm) có thể ức chế hoạt động của một loại enzym chuyển hóa trong cơ thể người, do đó ảnh hưởng đến hiệu quả chuyển hóa và bài tiết thuốc.
Điều này có thể làm cho thuốc tích tụ trong cơ thể với một lượng lớn, gây ra tác dụng quá mức của thuốc, làm nặng thêm các phản ứng có hại, thậm chí gây ngộ độc.
Do đó, tốt nhất bạn nên tránh ăn bưởi hoặc uống nước ép bưởi 3 ngày trước khi uống thuốc (tất cả các loại thuốc nói chung) và trong vòng 6 giờ sau khi uống thuốc. Về lượng được ăn thì bạn không cần quá quan tâm, điều quan trọng nhất là đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi dùng thuốc, nếu không rõ bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ.
Với các loại hoa quả có đặc tính tương tự như bưởi, bao gồm nho, cam và quýt, phần vỏ của chúng chứa hesperetin hoặc naringenin có thể ảnh hưởng đến các enzym chuyển hóa của cơ thể, do đó ảnh hưởng đến sự trao đổi chất và bài tiết của thuốc. Vì vậy, bạn cũng nên xin ý kiến của bác sĩ trước khi tiêu thụ trong thời gian sử dụng thuốc.
Nguồn tham khảo và ảnh: The Papper, Sohu, Weimin, BV ĐKQT Vinmec