Chúng ta đều biết rằng nước là nguồn sống của con người. Uống nhiều nước rất tốt cho sức khỏe của bạn, không những giúp giải độc, thanh lọc cơ thể, hỗ trợ tiêu hóa, làm đẹp da mà nó còn mang lại lợi ích giảm cân hiệu quả. Do đó, mọi người được khuyến khích uống ít nhất từ 1.5-2 lít nước mỗi ngày để cơ thể tràn đầy năng lượng và khỏe mạnh.
Tuy nhiên, không phải ai cũng thích uống nước, một số người còn cảm thấy uống nước thật nhạt nhẽo, vô vị. Thay vì việc uống nước trắng để bổ sung nước cho cơ thể, bạn có thể sử dụng các loại đồ uống thay thế, chẳng hạn như nước trà, nước ép rau quả, nước gạo lứt...
Dù vậy, không phải loại đồ uống nào cũng mang lại những lợi ích cho sức khỏe và thay thế được vai trò của nước. Thậm chí, có những loại đồ uống còn có thể phản tác dụng, gây hại cho sức khỏe, làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư cho con người.
Dưới đây là 3 loại đồ uống dù quen thuộc, được nhiều người ưa thích nhưng bị Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa vào "danh sách đen" làm tăng nguy cơ mắc ung thư.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), khi bạn uống đồ uống có cồn, cơ thể sẽ phân hủy nó thành một hóa chất được gọi là acetaldehyd. Acetaldehyd phá hủy DNA của bạn và ngăn cơ thể sửa chữa thiệt hại này. Khi DNA bị hỏng, các tế bào bắt đầu phát triển mất kiểm soát và tạo ra khối u, ung thư.
Do đó, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC, thuộc WHO) xếp hạng chất acetaldehyd có liên quan đến đồ uống có cồn là 1 trong 120 chất gây ung thư hàng đầu, sử dụng thường xuyên có thể dẫn đến nhiều loại ung thư khác nhau như ung thư miệng và cổ họng, ung thư thanh quản, thực quản, ung thư đại tràng và trực tràng, ung thư gan và ung thư vú (ở phụ nữ).
Theo Viện nghiên cứu Quốc gia về Hành vi lạm dụng và Tác hại của rượu Hoa Kỳ, nồng độ tiêu chuẩn của đồ uống có cồn tại nước này là 14g cồn nguyên chất trong 45ml với rượu mạnh, 150ml với rượu vang và 355ml với bia.
Hướng dẫn Chế độ ăn uống cho công dân Hoa Kỳ 2015-2020 khuyến cáo người dân nên uống đồ uống có cồn ở mức vừa phải, tối đa 1 ly mỗi ngày đối với phụ nữ và 2 ly mỗi ngày đối với đàn ông (ly có dung tích bằng dung tích đồ uống có chứa 14g cồn nguyên chất, ví dụ 1 ly tương đương với 355ml bia hoặc 45ml rượu mạnh hoặc 150ml rượu vang). Uống nhiều đồ uống có cồn được xác định là từ 4 ly trở lên trong 1 ngày hoặc 8 ly trở lên trong 1 tuần với phụ nữ và 5 ly trở lên một ngày hoặc 15 ly trở lên 1 tuần đối với đàn ông.
Tốt nhất là bạn không nên sử dụng đồ uống có cồn bởi ít nhiều nó cũng mang đến những ảnh hưởng đối với sức khỏe. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan, nếu bắt buộc phải tiêu thụ đồ uống có cồn, bạn nên điều chỉnh lượng uống của mình sao cho phù hợp theo hướng dẫn nêu trên.
Một số người thích uống các đồ uống khi vẫn còn nóng "hôi hổi". Thực tế, đồ uống có nhiệt độ trên 65 độ C, bất kể là nước trắng, trà, sữa... đều sẽ làm tổn thương niêm mạc thực quản của chúng ta. Nếu thường xuyên uống các đồ uống nóng như vậy, các tế bào của niêm mạc sẽ tăng sinh và dày lên để chống lại sự kích thích của nhiệt độ, từ đó hình thành nên khối u, tế bào ung thư. IARC (Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế) xếp hạng đồ uống có nhiệt độ trên 65 độ C là chất gây ung thư loại 2A.
Nghiên cứu được thực hiện bởi một nhóm các nhà khoa học từ Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế Pháp, Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ và một số trường đại học ở Iran, Hoa Kỳ và Anh chỉ ra rằng việc thường xuyên uống đồ uống có nhiệt độ trên 65 độ C sẽ làm tăng gấp đôi nguy cơ hình thành khối u trong thực quản.
Do đó, nếu đồ uống quá nóng, bạn nên làm nguội bớt trước khi uống.
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), lượng đường thêm vào (ngoài lượng được hấp thu từ việc ăn uống) tối đa một ngày với nam giới là khoảng 37.5g, phụ nữ khoảng 25g. Lượng đường được nạp vào từ các loại đồ uống ngọt nên được kiểm soát chặt chẽ.
Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Y khoa Anh quốc (BMJ) được thực hiện bởi các nhà khoa học Pháp cho thấy mức tiêu thụ đồ uống ngọt (chứa trung bình 11g đường/100ml) tiêu chuẩn ở nam giới là 90.3ml/ngày và ở nữ là 74.6 ml/ngày.
Nếu mỗi ngày bạn tiêu thụ thêm 100ml đồ uống ngọt ngoài mức tiêu thụ tiêu chuẩn thì nguy cơ mắc các loại ung thư khác nhau sẽ tăng thêm 18%, riêng với ung thư vú nguy cơ tăng thêm 22% do ảnh hưởng của đường trong đồ uống gây tích tụ chất béo nội tạng, tăng đường huyết và gây viêm dẫn đến ung thư.
Nguồn tham khảo: NHS, CDC, WHO, IARC, BMJ, Aboluowang, Healthline