Xôn xao thông tin dùng củ hành tây "hút" virus cúm, bác sĩ nói gì?

PV, Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn 13:41 09/02/2025
Chia sẻ

PGS.BS Đỗ Văn Dũng, Trường Đại học Y Dược TP.HCM khẳng định, phương pháp dùng củ hành tây "hút" virus cúm không chính xác, không có chứng cứ khoa học.

Tỷ lệ biến chứng nặng, tử vong do cúm rất thấp ở người khỏe

Một vài ngày gần đây, thông tin về phương pháp dùng củ hành tây trồng trong nước, đặt rải rác khắp nhà có thể "hút" được virus cúm đang gây xôn xao dư luận.

Trả lời trên báo VietNamnet, PGS.BS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y Dược TP.HCM cho hay, phương pháp trên không chính xác, không có chứng cứ khoa học.

Theo PGS.BS Đỗ Văn Dũng trước đó, đã có nhiều người chia sẻ về cách làm này nhưng tài liệu y khoa đều không ghi nhận. Vì vậy, việc trồng củ hành tây trong nhà để "hút" cúm hoàn toàn không có tác dụng đối với con người.

“Ngay cả việc xông bồ kết, xông tinh dầu trong nhà để xua đuổi virus cúm cũng không có tác dụng”, vị chuyên gia này nói.

Xôn xao thông tin dùng củ hành tây "hút" virus cúm, bác sĩ nói gì?- Ảnh 1.

Phương pháp dùng củ hành tây "hút" virus cúm không chính xác, không có chứng cứ khoa học. Ảnh minh họa

PGS.BS Đỗ Văn Dũng cho biết thêm, dịch cúm về cơ bản không đáng lo sợ. Hiện nay, số ca mắc cúm của Mỹ hay Anh tăng là ngẫu nhiên vì đang mùa đông. Các quốc gia ở Đông Nam Á đều không tăng nhiều. Đến thời điểm này, Nhật Bản có tỷ lệ mắc cao nhất, riêng tuần cuối năm 2024 đã ghi nhận hơn 300.000 ca mắc cúm nhưng bối cảnh dịch tễ cũng khác các quốc gia Đông Nam Á.

Khi dịch cúm xảy ra, điều đáng lo ngại nhất đó là xuất hiện biến chủng mới nhưng qua theo dõi, các nhà khoa học chưa thấy dấu hiệu bất thường.

Tỷ lệ biến chứng nặng, tử vong do cúm rất thấp ở người khỏe, trẻ nên nhóm này bị cúm chỉ cần nghỉ ngơi, uống nhiều nước, đủ dinh dưỡng sẽ khỏi, không cần uống thuốc kháng virus vì có thể gây đề kháng thuốc, tác dụng phụ và tạo khan hiếm thuốc trên thị trường. Thực tế, thuốc kháng virus chỉ có lợi những người có nguy cơ và biểu hiện nhiễm cúm nặng.

Người có bệnh nền, người cao tuổi khi mắc cúm dễ gặp nguy hiểm hơn. Nhóm đối tượng này được khuyến cáo có triệu chứng hô hấp cần đi viện ngay. Nếu sử dụng thuốc kháng virus, bệnh nhân giảm 80% nguy cơ tử vong.

Người bệnh cúm không tự dùng kháng sinh, đặc biệt là Corticoid vì có nhiều bằng chứng cho thấy tác hại khó lường.

Bác sĩ Dũng khuyến cáo, người dân nên rửa tay thường xuyên, không tiếp xúc với người bị bệnh hô hấp. Những người ho, sổ mũi nên nghỉ làm, học, không ra ngoài.

Chủ động phòng chống cúm mùa

Bộ Y tế vừa có công văn gửi các địa phương về việc tăng cường phòng, chống bệnh cúm, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ mắc các hội chứng cúm, nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính cũng gia tăng từ cuối năm 2024, nhất là tại các quốc gia trong khu vực bắc bán cầu.

Trong nước, số trường hợp mắc cúm gia tăng cục bộ từ cuối năm 2024 và trong thời gian dịp Tết Nguyên đán, tuy nhiên không có sự gia tăng đột biến so với số mắc được ghi nhận cùng kỳ hàng năm trước đây. Các tác nhân chủ yếu là cúm A(H3N2), A(H1N1) và cúm B.

Xôn xao thông tin dùng củ hành tây "hút" virus cúm, bác sĩ nói gì?- Ảnh 2.

Số trường hợp mắc cúm gia tăng cục bộ từ cuối năm 2024 và trong thời gian dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Dân trí

Thời tiết mùa đông xuân hiện nay với điều kiện khí hậu gió mùa, nồm ẩm, thuận lợi cho các mầm bệnh lây truyền qua đường hô hấp phát triển dẫn đến nguy cơ gia tăng số mắc như cúm mùa, sởi, sốt phát ban...

Bên cạnh đó, thời gian này cũng là mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao; thường xuyên xảy ra việc tập trung đông người tại các địa điểm du lịch, vui chơi, giải trí và các khu vực công cộng, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm.

Để chủ động công tác phòng, chống bệnh cúm mùa, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan quán triệt việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện số 116 ngày 14/11/2024 và tổ chức triển khai hiệu quả tiêm chủng chống dịch sởi theo kế hoạch...

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày