Tiêm phòng cúm: Những tác dụng phụ cần nắm rõ trước khi tiêm

Tuấn Minh, Theo phunuso.baophunuthudo.vn 09:15 09/02/2025
Chia sẻ

Hà Nội ghi nhận nhiều ca cúm nặng, phải nhập viện khiến nhiều người đi tiêm phòng cúm. Nhưng trước khi tiêm, bạn cần nắm rõ những tác dụng phụ dưới đây.

Dịch cúm đang có nhiều diễn biến phức tạp trên khắp cả nước. Tại nhiều bệnh viện ở Hà Nội, nhiều ca bệnh phải nhập viện do biến chứng, chức năng phổi không đảm bảo. Trước tình hình đó, nhiều người dân hiện nay đang muốn đi tiêm phòng cúm càng sớm càng tốt.

Giới chuyên gia khẳng định, tiêm phòng cúm sẽ giúp bạn phòng tránh bệnh hiệu quả hơn. Nếu chẳng may mắc bệnh cũng sẽ giảm nguy cơ biến chứng có thể xảy ra, giúp bệnh nhân cúm trải qua giai đoạn bệnh nhẹ nhàng hơn. Mặc dù vậy, trước khi đi tiêm phòng cúm, bạn nên nắm rõ những tác dụng phụ có thể xảy ra để không bị bất ngờ cũng như nghi ngờ tác dụng của vắc-xin.

1. Đau nhức cánh tay

Tiêm phòng cúm: Những tác dụng phụ cần nắm rõ trước khi tiêm- Ảnh 1.

Cánh tay của người tiêm có thể bị đau nhức hoặc xuất hiện cảm giác bồn chồn, khó chịu sau tiêm vắc-xin cúm.

Tác dụng phụ này là dấu hiệu tốt, biểu thị rằng hệ thống miễn dịch của người tiêm đang có phản ứng tích cực với vắc-xin và tạo ra kháng thể.

2. Đỏ, đau hoặc sưng tại chỗ tiêm

Đây là một phản ứng hết sức bình thường, cho thấy hệ miễn dịch đã sẵn sàng hoạt động dưới tác động của vắc-xin cúm.

Bên cạnh đó, phản ứng này là biểu hiện của việc kim tiêm tác động lên bề mặt da, làm hàng rào bảo vệ da bị phá vỡ, khiến vùng tiêm bị sưng đau và đỏ ửng lên. Vì thế, đây là một phản ứng sau tiêm hoàn toàn bình thường và xảy ra ở hầu hết các đối tượng sau khi tiêm xong.

Tiêm phòng cúm: Những tác dụng phụ cần nắm rõ trước khi tiêm- Ảnh 2.

3. Sốt

Sau khi tiêm phòng cúm, người tiêm có thể sẽ bị sốt nhẹ dưới 38 độ C, nhưng phản ứng này không quá phổ biến.

Nếu người tiêm bị sốt cao hơn mức 38 độ C, rất có thể cơ thể đã bị nhiễm một loại virus khác thường nào đó đang lưu hành trong mùa cúm. Trường hợp này thường phổ biến ở người bị cảm lạnh hoặc trẻ em bị nhiễm virus hợp bào hô hấp. Trong trường hợp này, cần tiếp nhận sự thăm khám từ các bác sĩ và thực hiện một vài xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán tình trạng bệnh lý hiện tại.

4. Buồn nôn, đau đầu, mệt mỏi

Sau khi tiêm vắc xin cúm, cơ thể phản ứng lại với tác động của vắc xin, gây ra triệu chứng buồn nôn, đau đầu, mệt mỏi.

Bạn chỉ cần nghỉ ngơi và ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tình trạng này sẽ biến mất chỉ sau từ 1 đến 2 ngày.

Tiêm phòng cúm: Những tác dụng phụ cần nắm rõ trước khi tiêm- Ảnh 3.

5. Choáng váng hoặc ngất xỉu

Theo thông báo từ CDC, gần như tất cả các loại vắc xin đều nhận được báo cáo về việc có người ngất xỉu ngay sau khi tiêm vắc xin nhưng không gây ra các tình trạng nguy kịch khác. Vì thế, việc tiêm vắc xin phòng cúm có thể khiến một tỷ lệ rất hiếm người bị choáng váng, ngất xỉu nhất là những người có hệ miễn dịch bị suy giảm.

6. Ho hoặc hắt hơi

Triệu chứng ho hoặc hắt hơi vẫn sẽ xảy ra ngay sau khi tiêm vắc xin cúm.

Đây chỉ là một tác dụng phụ nhẹ và kéo dài trong thời gian ngắn, hoàn toàn không có khả năng khiến người tiêm bị đau họng hay cảm lạnh.

Tiêm phòng cúm: Những tác dụng phụ cần nắm rõ trước khi tiêm- Ảnh 4.

7. Dị ứng

Trong một số ít trường hợp có phản ứng phụ dị ứng với các thành phần của vắc xin cúm, chẳng hạn như dị ứng với kháng sinh, gelatin hoặc các thành phần khác có trong vắc xin cúm. Các dấu hiệu dị ứng nghiêm trọng với vắc xin cúm bao gồm: thở khò khè, khó thở, nổi mề đay, sưng quanh môi hoặc quanh mắt, sốt cao, nhịp tim tăng nhanh,… Những dị ứng này sẽ xuất hiện sau vài phút đến vài giờ sau tiêm và sẽ nhanh chóng hết trong vài ngày nếu được chăm sóc đúng cách.

Nếu tình trạng không dứt thì bạn nên đi khám càng sớm càng tốt để phát hiện nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, triệu chứng của bệnh cúm mùa rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác, việc chẩn đoán và điều trị phải tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, Bộ Y tế khuyến cáo:

1. Người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm, mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.

2. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

3. Đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

4. Hạn chế tiếp xúc với người mắc cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

5. Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

6. Tiêm vắc-xin cúm mùa định kỳ hàng năm - biện pháp phòng ngừa cúm hiệu quả nhất.

7. Chủ động theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện ho, sốt, đau họng, mệt mỏi, nhức đầu,... cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời. Nếu được xác định mắc cúm cần được cách ly, đeo khẩu trang phòng lây nhiễm cho người khác.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày