1. Khăn mặt
Không thay khăn mặt định kỳ đã là 1 mối nguy hại lớn cho sức khỏe, nhưng đặt khăn mặt sai vị trí thì còn nguy hiểm gấp bội, điển hình là treo nó ở gần bồn cầu.
Trên thực tế, không ít gia đình lắp đặt thanh treo khăn mặt ở phía trên hoặc chéo 1 chút so với vị trí đặt bồn cầu. Đơn giản vì nhiều người nghĩ rằng chỉ cần giữ cho nhà tắm sạch sẽ thì chẳng có gì e ngại. Tuy nhiên đây là 1 suy nghĩ rất sai.
Cần biết rằng, khi xả nước bồn cầu có thể giải phóng các hạt lơ lửng trong không khí, được gọi là hạt aerosol. Khí này có thể chứa virus gây ô nhiễm 1 phần khu vực nhà tắm. Nếu treo khăn mặt ngay sát bồn cầu chẳng khác nào treo nó ở giữa "tâm bão", chắc chắn sẽ hấp thụ những hạt aerosol chứa vi khuẩn, mang đến nguy cơ gây hại cho sức khỏe về lâu dài.
Vì khăn mặt trực tiếp dùng để lau mặt, lau cơ thể nên cần đảm bảo sạch sẽ. Vị trí tốt nhất để treo khăn mặt trong nhà tắm là những nơi khô ráo, sạch sẽ, ví dụ như ngay cạnh bồn rửa mặt. Và đừng quên thao tác quan trọng nhất: thay khăn mặt định kỳ!
2. Cọ thông cống
Cọ thông cống là món đồ không thể thiếu trong nhà tắm, nó là "vị cứu tinh" mỗi khi bồn cầu bị tắc. Để thuận tiện, nhiều nhà đặt cọ thông cống ở bên cạnh bồn cầu, trong 1 góc khuất nào đó để không làm ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ.
Thao tác này không sai chút nào, nhưng nếu đặt cây cọ trực tiếp xuống sàn nhà thì lại là 1 câu chuyện khác. Bởi, với cấu tạo của cọ thông cống, khi đặt xuống sàn, chúng sẽ bám dính bề mặt và tích trữ nước ở bên trong cây cọ. Dần dần, bụi bẩn sẽ tích tụ và biến cây cọ trở thành "bình nuôi vi khuẩn" đúng nghĩa. Nghĩ thôi đã thấy rất bẩn thỉu và gây hại cho sức khỏe gia đình!
Vậy nên, bạn đừng đặt cây cọ xuống sàn nhà mà hãy thay bằng một thao tác đơn giản nhưng sạch sẽ, đó là treo cây cọ lên. Chỉ cần dùng miếng dán là bạn có thể dễ dàng cố định cây cọ trên tường hoặc trên bồn cầu. Thao tác này chẳng mấy nặng nhọc, nhưng lại giúp giữ vệ sinh cho cây cọ, tránh vi khuẩn sinh sôi đồng thời mang đến nhiều tiện lợi khi cần sử dụng.
3. Thùng rác
Việc đặt thùng rác trong nhà vệ sinh đem đến sự thuận tiện khi cần vứt rác thải. Tuy nhiên nhiều gia đình cảm thấy bế tắc vì thùng rác đặt dưới sàn nhà có thể gây khó khăn cho việc lau chùi. Đôi khi quên vệ sinh nhà tắm, vài ngày sau liền phát hiện sàn nhà nơi đặt thùng rác đã bị hoen ố 1 mảng.
Kỳ thực, nếu đặt thùng rác ở dưới sàn nhà tắm, bạn cần thường xuyên dọn dẹp và thay mới túi rác để đảm bảo chúng không bốc mùi cũng như tích tụ nấm mốc, vệt ố vàng. Có 1 cách hay để giải quyết vấn đề này, đó chính là sử dụng giá đựng túi rác treo tường. Thiết kế này tiện lợi và dễ sử dụng, lại có thể kéo ra đóng vào nên đảm bảo không phút sinh mùi khó chịu. Để đảm bảo tính thẩm mỹ cho không gian, bạn có thể thay thế sử dụng túi rác màu đen hoặc các loại túi sẫm màu.
4. Các chất tẩy rửa nhà vệ sinh
Các loại dung dịch tẩy rửa bồn cầu, tẩy rửa sàn nhà... không nên đặt "lộ liễu" ở khu vực nhà tắm, nhất là với các gia đình có trẻ nhỏ. Trên thực tế đã xảy ra không ít vụ việc trẻ em nhầm nước tẩy bồn cầu với nước giặt hoặc các dung dịch khác trong nhà, dẫn đến những tai nạn nguy hiểm.
Để đảm bảo an toàn, hãy luôn đóng chặt nắp các loại hóa chất tẩy rửa sau mỗi lần sử dụng và đặt chúng ở những nơi kín đáo như tủ hoặc kệ nhà tắm. Nếu cần thiết thì hãy phân loại và ghi chú rõ ràng để tránh những tình huống nhầm lẫn tai hại.
5. Ổ cắm điện
Ổ cắm điện đặt trong nhà tắm thực sự rất tiện lợi cho quá trình vệ sinh cá nhân, chẳng hạn như gội đầu xong có thể sấy tóc ngay lập tức.
Song, thiết bị này cũng có thể gây mất an toàn nếu không được lắp đặt đúng cách. Bởi lẽ phòng tắm là môi trường ẩm ướt nên khi điện gặp nước có thể tạo ra nguy cơ tiềm ẩn về rò rỉ và chập điện, dẫn đến điện giật hoặc cháy nổ trong quá trình sử dụng.
Cách tốt nhất khi đặt ổ cắm điện trong nhà tắm đó là trang bị thêm hộp đậy hoặc mặt che ổ điện. Kể cả khi lắp đặt ổ cắm ở trên cao thì vẫn phải sử dụng thêm những thiết kế này để đảm bảo an toàn về điện, tránh tình trạng nước vô tình bắn vào gây nguy hại sức khỏe.
Nguồn: Zhiyou