Gần đây tôi khá bận rộn nên toàn bộ việc giặt giũ trong nhà đều do chồng tôi đảm nhận. Nhưng bực một nỗi, 3 lần anh ấy giặt đồ đều làm hỏng áo của tôi. Cuối cùng, tôi không chịu nổi nên quyết định theo dõi xem cách "thao tác" của chồng liệu có vấn đề gì không.
Và tôi phát hiện rằng, khi giặt đồ chồng tôi quăng hết quần áo vào máy giặt, chọn chế độ “giặt nhanh” rồi thản nhiên bỏ đi làm việc khác.
Chế độ giặt nhanh của máy giặt không thể sử dụng bừa bãi như vậy được – đặc biệt là vào mùa đông. Sử dụng giặt nhanh không đúng cách sẽ dẫn đến 4 vấn đề lớn, sao đến giờ này người chồng yêu quý của tôi lại không biết?
1. Giặt không sạch
Thông thường, một chu trình giặt bình thường cần ít nhất 50 phút nhưng chế độ giặt nhanh chỉ mất 40 phút. Máy giặt đã rút ngắn thời gian chủ yếu qua 2 cách:
- Giảm mực nước: Từ 30 lít xuống còn 15 lít, giúp tiết kiệm thời gian cấp nước.
- Giảm thời gian giặt chính: Từ 20 phút xuống còn 5 phút.
Khi giặt tay, việc chà quần áo trong 5 phút chắc chắn sẽ không giống với chà trong 20 phút. Tương tự, giặt bằng một chậu nước không thể giống với giặt bằng một gáo nước. Chế độ giặt nhanh dùng ít nước hơn và thời gian giặt ngắn hơn, vì vậy quần áo tất nhiên sẽ không được giặt sạch.
Bảo sao mấy vết dầu mỡ bắn từ thức ăn trên quần áo của tôi giặt bao nhiêu lần cũng không sạch. Không phải do vết bẩn quá cứng đầu mà là do chế độ giặt nhanh quá kém hiệu quả!
Chế độ giặt nhanh của máy giặt chỉ phù hợp để giặt những quần áo không quá bẩn, ví dụ như đồ ở nhà, quần áo áo giữ nhiệt,... Dùng để loại bỏ bụi bẩn nhẹ và mùi hôi là đủ, nhưng với các vết bẩn cứng đầu thì không xử lý được.
2. Xả không sạch
Ở chế độ giặt thông thường, quần áo sẽ được xả kỹ hoặc bạn có thể chọn riêng chế độ “xả” của máy giặt. Lúc này, nếu để ý, bạn sẽ thấy máy giặt liên tục bơm nước sạch, xoay lồng giặt rồi xả nước bẩn ra ngoài.
Ở chế độ giặt nhanh, để rút ngắn thời gian, máy giặt cũng đã cắt giảm bước xả khi chỉ xả 1 lần duy nhất.
Số lần xả ít đi, cộng với việc mực nước bị giảm như đã nói ở trên khiến xà phòng trên quần áo dễ bị sót lại. Nhẹ thì làm quần áo bị cứng, nặng thì có thể gây kích ứng da khi tiếp xúc với chất tẩy rửa còn tồn đọng.
Vậy nên khi dùng chế độ giặt nhanh, nên chọn loại nước giặt chuyên dụng ít bọt hoặc giảm lượng nước giặt sử dụng. Tuy nhiên, khi dùng ít nước giặt hơn, hiệu quả làm sạch cũng sẽ kém đi. Vì vậy, một lần nữa nhấn mạnh: Chỉ nên dùng chế độ giặt nhanh cho quần áo không quá bẩn.
3. Vắt không khô
Bước cuối cùng trong quá trình giặt là vắt khô quần áo. Tuy nhiên, ở chế độ giặt nhanh, thời gian vắt cũng bị rút ngắn để tiết kiệm thời gian. Trong khi chế độ tiêu chuẩn cho thời gian vắt là 12 phút thì chế độ giặt nhanh chỉ còn 3 phút.
Do thời gian vắt không đủ, quần áo sẽ còn đọng lại rất nhiều nước.
Tóm lại, chế độ giặt nhanh chỉ phù hợp với các loại vải ít thấm nước như cotton, vải lanh... Nhưng với các chất liệu như len, nỉ hoặc vải bông, tốt nhất bạn nên chọn chế độ giặt khác để bảo vệ quần áo và tránh tình trạng phơi mãi không khô.
4. Dễ làm hỏng quần áo
Như đã nói, ở chế độ giặt nhanh, lượng nước tiêu thụ ít hơn làm tăng ma sát giữa các món đồ và dẫn đến quần áo bị mài mòn nhiều hơn. Nhưng đây chưa phải vấn đề chính.
Thời gian giặt và vắt ngắn nên máy giặt sẽ bù bằng cách tăng tốc độ quay. Chính điều này gây ra tổn hại lớn hơn cho quần áo: Không chỉ bị mài mòn mà như ba chiếc áo len của tôi – bị kéo giãn và co lại do ma sát mạnh, dẫn đến tình trạng co rút, biến dạng.
Chế độ giặt nhanh sẽ chỉ phù hợp với các loại vải thật sự bền, chắc chắn. Thậm chí, ngay cả vải cotton cũng có nguy cơ bị hỏng ở chế độ này.
Nguồn: Toutian