Vì sao nói Kpop không thể tạo nên một BTS thứ hai?

Tuyết Hiền, Theo Trí Thức Trẻ 11:31 20/07/2022
Chia sẻ

Nền công nghiệp âm nhạc Kpop đã và đang vững chắc hơn trên bản đồ thế giới, nhưng để tạo ra nhóm nhạc thứ hai như BTS có lẽ sẽ mất rất nhiều thời gian.

Với vị trí "vững như bàn thạch" hiện tại, bất cứ ai nhắc đến BTS cũng sẽ điểm sơ qua được một vài dấu ấn quốc tế của nhóm nhạc đến từ Hàn Quốc, cho dù là những người không theo dõi Kpop. Đúng nghĩa "đi lên từ tro tàn", BTS xuất phát điểm không có sự bệ đỡ là những công ty giải trí hàng đầu. Nhưng với tài năng và âm nhạc chạm đến trái tim công chúng, BTS từng bước khẳng định tên tuổi và trở thành "tường thành" khó vượt qua. Nền công nghiệp âm nhạc hàng đầu châu Á có thể tạo ra hàng trăm nhóm nhạc mới mỗi năm, nhưng để tạo ra một BTS thứ hai, dường như là điều không tưởng.

Vì sao nói Kpop không thể tạo nên một BTS thứ hai? - Ảnh 1.

Vực dậy một công ty giải trí nợ nần trở thành thế lực giải trí hàng đầu

BTS được Big Hit (nay là HYBE) cho ra mắt năm 2013 khi đang đứng trên bờ vực phá sản với số nợ khổng lồ. 7 thực tập sinh khi ấy là Jin, Suga, RM, j-hope, V, Jimin và Jungkook đã phải vừa luyện tập vừa làm thêm. Năm 2014, chỉ một năm sau khi debut, đàn chị của BTS là nhóm nhạc nữ GLAM dính bê bối chấn động đi đến kết cục tan rã, Big Hit tiếp tục lao đao và gánh trên vai khoản nợ hơn 50 tỷ. Nhóm nhạc tân binh như BTS không nhận được sự đầu tư đúng mức. 7 chàng trai thực sự đã đi lên từ con số âm thay vì con số không.

Vì sao nói Kpop không thể tạo nên một BTS thứ hai? - Ảnh 2.

BTS khi mới debut và định hình theo phong cách hiphop

Trong những năm đầu tiên hoạt động, BTS lép vế hoàn toàn với nhóm nhạc ra mắt cùng thời điểm là EXO. BTS từng tổ chức fanmeeting đầu tiên với vỏn vẹn một trăm năm mươi fan tham dự trong công viên, tự sang Mĩ phát tờ rơi, tổ chức concert miễn phí cho hai trăm khán giả, tranh thủ quay chương trình thực tế với chi phí tiết kiệm nhất. Thành công đến sau của BTS khiến khán giả nể phục vì hành trình chông gai mà nhóm đã trải qua, khi nhắc đến quãng thời gian này, trưởng nhóm RM và các thành viên đã không thể kìm được nước mắt.

Vì sao nói Kpop không thể tạo nên một BTS thứ hai? - Ảnh 3.

BTS những năm đầu hoạt động tổ chức fanmeeting trong công viên

Vì sao nói Kpop không thể tạo nên một BTS thứ hai? - Ảnh 4.

với chi phí tiết kiệm nhất

Bắt đầu từ liên hoàn hit Spring Day - Fire năm 2016, sự nghiệp của BTS khởi sắc và phát triển một cách chóng mặt. Chỉ cần ba năm, BTS vươn ra khỏi biên giới Hàn Quốc và trở thành nhóm nhạc toàn cầu thành công vực Big Hit từ công ty sắp phá sản trở thành tập đoàn giải trí HYBE top đầu Hàn Quốc.

Vì sao nói Kpop không thể tạo nên một BTS thứ hai? - Ảnh 5.

BTS và chủ tịch HYBE Bang Shi Hyuk

Âm nhạc của sự chữa lành

Chạm đến trái tim người nghe với tôn chỉ âm nhạc là "sự chữa lành", trưởng nhóm RM từng nói về thứ mà BTS luôn theo đuổi trong các sản phẩm khiến công chúng ngưỡng mộ: "Nếu nỗi đau của các bạn là 100 và chúng mình có thể xoa dịu chúng xuống 99, 98… thì giá trị tồn tại của BTS đã đủ đầy rồi". Thành công toàn cầu của BTS chắc chắn đến từ âm nhạc.

Chủ tịch Bang Shihyuk từng chia sẻ trong một buổi phỏng vấn sau khi BTS thành danh, ông cho BTS ra mắt với yêu cầu các thành viên tạo ra thứ âm nhạc nói lên tiếng lòng của họ, với tiêu chí quyết định là sự chân thành. BTS debut khi Jin – anh cả 21 tuổi và em út Jungkook chưa tròn 16. Là những người trẻ, không được "ngậm thìa vàng", trải qua quá trình khổ luyện gian truân, BTS thấm thía cái gì gọi là nỗi đau. Không ngoa khi nói âm nhạc của BTS dành cho nhóm người yếu thế, khi chính các chàng trai cũng đã từng là những đứa trẻ phải thử thách bản thân để tìm kiếm hào quang.

Vì sao nói Kpop không thể tạo nên một BTS thứ hai? - Ảnh 6.

Màu sắc âm nhạc của BTS dù mạnh bạo hay nhẹ nhàng, đều dành cho những tâm hồn bị tổn thương

BTS ban đầu là một nhóm nhạc hiphop, với màu sắc mạnh mẽ, hầm hố trong những ca khúc debut như No More Dream, Boy In Luv, Danger,... Đây chính là bản ngã đầu tiên của BTS, gai góc và giận dữ. Cảm hứng chủ đạo trong những ca khúc hiphop đầu tiên của BTS là thế giới quan của thanh thiếu niên trong một xã hội đầy áp lực cùng nỗi hoài nghi bản thân khi chưa được chứng tỏ đã bị định kiến vùi lấp. Thông qua những bài hát này, BTS truyền đi thông điệp đầu tiên của nhóm cho những người không tìm được động lực sống, rằng hãy cứ ước mơ và ước mơ một cách mạnh mẽ.

No More Dream chính là lời an ủi cho những thanh thiếu niên vẫn chông chênh ở ngã ba đường, “hãy cứ đi con đường của bạn, dù bạn chỉ còn sống một ngày, hãy làm gì đó và gạt bỏ sự yếu đuối đi” (lời bài hát dịch).

BTS - No More Dream

BTS đã dành cả album Love Yourself để nói về việc "yêu bản thân" - dùng âm nhạc của BTS để chữa lành tâm hồn bạn. Với trọng trách tự mình giao phó, an ủi những tâm hồn tổn thương bằng câu chuyện âm nhạc, BTS đã thực hiện xuất sắc điều đó. Kể từ era này, âm nhạc BTS được khán giả trên toàn nhớ đến với đặc điểm là âm nhạc chữa lành. Đều đặn ra mắt sản phẩm qua từng năm, BTS sở hữu "kho báu" âm nhạc khổng lồ không trùng lặp bất kì chủ đề nào, từ ước mơ, khao khát, đấu tranh cho đến tình bạn, tình yêu và một khía cạnh đặc biệt: sức khỏe tinh thần.

Vì sao nói Kpop không thể tạo nên một BTS thứ hai? - Ảnh 8.

BTS là nhóm nhạc hiếm hoi của Kpop tập trung vào khía cạnh sức khỏe tinh thần. Âm nhạc của BTS khiến người nghe cảm thấy đồng cảm. Đặc biệt là những người trẻ đang sống trong thế giới hiện đại áp lực, với những tổn thương tâm lý bủa vây. Nhiều người tìm đến BTS và trở thành fan trung thành bởi họ cảm thấy được đồng hành. Một Army đã từng chia sẻ về quá trình đấu tranh chống lại căn bệnh trầm cảm khiến người ta chú ý khi nhắc về BTS và âm nhạc của họ: "Tận hưởng khía cạnh nghệ sĩ và con người của BTS trong 3 năm qua là chìa khóa quan trọng trong việc trốn thoát và đối mặt với nỗi buồn của riêng tôi. Chỉ bằng cách nghe nhạc, xem họ biểu diễn trên sân khấu, hoặc thấy sự chân thực của họ trong những bài phỏng vấn, chương trình truyền hình cho tôi cảm giác mình không hề đơn độc".

Vì sao nói Kpop không thể tạo nên một BTS thứ hai? - Ảnh 9.

9 năm sự nghiệp của BTS và âm nhạc với giá trị tinh thần luôn được giữ nguyên vẹn


Qua từng thời kỳ, âm nhạc của BTS sẽ thay đổi và biến chuyển nhưng tựu chung các sáng tác của BTS đều mang một mục đích thống nhất từ khi ra mắt cho tới khi đã trở thành chỗ dựa tinh thần cho hàng triệu con tim, rằng âm nhạc chính là liều thuốc chữa lành cho tâm hồn. Và thời điểm ấy đến, âm nhạc của BTS bùng nổ, được cả thế giới đón nhận.

Một nhóm nhạc "thuần Hàn" chinh phục thế giới

Bắt đầu từ cú bắt tay với Halsey trong Boy With Luv phát hành năm 2019, BTS đã thể hiện rõ con đường quốc tế rộng mở. Dù đã chinh phục thành công âm nhạc thế giới, thì BTS vẫn là một nhóm nhạc "thuần" Hàn Quốc. Những chàng trai năm ấy khi vừa bước ra quốc tế, với khả năng tiếng Anh chưa bằng các nhóm nhạc cùng thời, vẫn thành công ghi dấu ấn đầu tiên.

RM là thành viên thành thạo tiếng Anh nhất trong 7 thành viên. Anh đóng vai trò như đầu tàu dẫn dắt cả nhóm trên con đường quảng bá quốc tế. Các thành viên còn lại dù có thể giao tiếp cơ bản bằng tiếng Anh, nhưng để hoàn thiện trong các bài phát biểu lớn vẫn cần đến khả năng nói lưu loát, truyền cảm hứng. Rào cản về ngôn ngữ cũng không thể ngăn việc BTS phát hành ca khúc tiếng Anh và chinh phục thành công BXH Billboard Hot 100 với Dynamite. Lần đầu tiên, một nhóm nhạc Hàn Quốc cho ra mắt bài hát tiếng Anh leo thẳng top 1 BXH âm nhạc khắt khe nước Mỹ. Đó là một kỷ lục do BTS lập ra khó ai qua được.

BTS và bài hát tiếng Anh đầu tiên Dynamite

BTS là một nhóm nhạc đa tài, mỗi một thành viên đều có thế mạnh riêng và phát huy hiệu quả trong sự nghiệp chung. Không chỉ phân chia vai trò chủ đạo rapper/dancer/vocal như đa số nhóm nhạc Kpop, BTS còn có những thành viên chuyên trách việc sáng tác và sản xuất âm nhạc. Fan chắc chắn đã quá quen với việc hai thành viên Suga, j-hope có mặt trong credit sản xuất âm nhạc của nhóm, RM sáng tác và maknae line (dàn em út) bao gồm Jimin, V và Jungkook đảm bảo độ phổ biến truyền thông của BTS.

Vì sao nói Kpop không thể tạo nên một BTS thứ hai? - Ảnh 11.

Cặp đôi đa tài của BTS j-hope và Suga thường tham gia sản xuất âm nhạc cho BTS

Vì sao nói Kpop không thể tạo nên một BTS thứ hai? - Ảnh 12.

3 thành viên Jimin, V và Jungkook là "bảo chứng" truyền thông của BTS

Nhóm nhạc không thể thay thế

Với sức ảnh hưởng hiện tại, BTS chính xác là nhóm nhạc không thể thay thế của Kpop. 9 năm hoạt động, BTS đã mang về hàng loạt kỷ lục quốc tế "vô tiền khoáng hậu". BTS sở hữu 6 ca khúc đạt #1 Billboard Hot 100 bao gồm Life Goes On, Dynamite, Butter, Permission to Dance, My Universe (kết hợp cùng Coldplay) Savage Love (remix). Đây một thành tích đáng gờm mà không phải nghệ sĩ nào trên thế giới cũng đạt được.

Vì sao nói Kpop không thể tạo nên một BTS thứ hai? - Ảnh 13.

BTS tạo kỷ lục trên Billboard Hot 100 với 6 bài hát từng chiếm top 1

BTS là nhóm nhạc Kpop đầu tiên nhận được hai đề cử Grammy năm 2020 và 2022 với cùng hạng mục Best Pop Duo/ Group Performance (màn trình diễn Pop xuất sắc nhất). Dù chưa chính thức được cầm trên tay chiếc kèn vàng danh giá, nhưng việc BTS nhận được hai đề cử của giải thưởng âm nhạc hàn lâm này cũng chứng tỏ được âm nhạc BTS không chỉ phổ biến đại chúng mà còn được giới chuyên môn công nhận.

Vì sao nói Kpop không thể tạo nên một BTS thứ hai? - Ảnh 14.

BTS trên thảm đỏ Grammy 2022

Vì sao nói Kpop không thể tạo nên một BTS thứ hai? - Ảnh 15.

Sân khấu biểu diễn Butter của BTS tại Grammy

Sân khấu biểu diễn Grammy của BTS cũng trở thành cột mốc tiêu biểu trong sự nghiệp của nhóm. Ngoài Grammy, BTS còn liên tiếp nhận được đề cử và giải thưởng quốc tế như VMAs, AMAs, giải Âm nhạc Billboard,... Những đóng góp của BTS đã góp phần tạo nên nền tảng vững chắc cho Kpop tiến xa hơn trên bản đồ âm nhạc quốc tế.

Vì sao nói Kpop không thể tạo nên một BTS thứ hai? - Ảnh 16.

BTS tại cuộc họp lần thứ 76 của Liên Hợp Quốc phát biểu về "Thế hệ trẻ trong thời đại Covid-19"

Không chỉ âm nhạc, BTS còn là hình mẫu của hàng triệu bạn trẻ trên thế giới khi nhiều lần phát biểu tại Liên Hợp Quốc. 7 chàng trai vinh dự trở thành "đặc phái viên của tổng thống Hàn Quốc" đại diện cho thế hệ trẻ về văn hóa. Kể từ lần đầu tiên phát biểu tại Liên Hiệp Quốc năm 2018, BTS trở thành "khách quen" truyền cảm hứng tại những hội nghị thượng đỉnh toàn cầu.

Vì những đóng góp to lớn cho nền công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc mà việc BTS nhập ngũ khiến công chúng cực kì quan tâm. Tháng 12/2020, Quốc hội Hàn Quốc quyết định thông qua "điều luật BTS", điều luật này cho phép nghệ sĩ Kpop từng nhận huân chương chính phủ nhờ thành tích, cống hiến giúp nâng cao uy tín quốc gia có thể hoãn nhập ngũ tới năm 30 tuổi, muộn hơn 2 năm so với độ tuổi giới hạn thông thường. Đây là điều luật hoàn toàn được thông qua do sự ảnh hưởng của BTS. Có lẽ chính Hàn Quốc cũng lo sợ việc BTS nhập ngũ 2 năm sẽ cản trở đến tiến trình sự nghiệp của họ, và nhiều hơn chính là ảnh hưởng đến độ phổ biến của Kpop trên bản đồ thế giới.

Vì sao nói Kpop không thể tạo nên một BTS thứ hai? - Ảnh 17.

BTS hiện tại đã bước sang chương 2 của sự nghiệp, và định hướng mới của nhóm chính là tập trung hơn vào hoạt động cá nhân của các thành viên. Ngay khi thông tin này được công bố, fan Kpop đã "sôi sục" vì lo sợ BTS sẽ dừng quảng bá, cổ phiếu công ty lập tức tụt dốc. Một minh chứng nhỏ đã cho thấy tầm ảnh hưởng to lớn của BTS đến Kpop. Dù thời gian trôi qua, có thể sẽ có nhóm nhạc khác thay thế BTS, nhưng để tạo ra BTS thứ hai là một điều không tưởng. Tất cả những yếu tố đột phá trong âm nhạc, sự nghiệp và hành trình của BTS đều là "độc nhất vô nhị" mà nền công nghiệp âm nhạc không thể kiến tạo ra bản sao nào khác.

Ảnh: Internet

https://kenh14.vn/vi-sao-noi-kpop-khong-the-tao-nen-mot-bts-thu-hai-20220718110003809.chn
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày