Tiêm xong vắc xin HPV thì nên chờ bao lâu mới mang thai?

Chiến My, Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn 22:36 15/07/2025
Chia sẻ

Vắc xin HPV không nên tiêm trong thai kỳ hay sát với thời điểm mang thai. Vậy nên nhiều chị em thắc mắc cần chờ bao lâu sau khi tiêm thì mang thai mới an toàn.

Tại sao không nên mang thai ngay sau khi tiêm vắc xin HPV?

Vắc xin HPV không được khuyến nghị tiêm quá sát thai kỳ. Bời vì sau khi tiêm vắc xin HPV, cơ thể cần thời gian để kích hoạt miễn dịch và ổn định phản ứng với vắc xin. Việc mang thai quá sớm có thể làm rối loạn miễn dịch tự nhiên, khiến vắc xin giảm hiệu quả hoặc gây phản ứng không mong muốn. Ngoài ra, nếu gặp tác dụng phụ sau tiêm, sẽ khó phân biệt với triệu chứng thai kỳ, gây khó khăn trong theo dõi sức khỏe.

Vậy nên đợi bao lâu mới mang thai sau khi tiêm vắc xin HPV? Khoảng cách an toàn được khuyến nghị là 1 tháng sau mũi tiêm cuối cùng. Khoảng thời gian này nhằm đảm bảo vắc xin đã hoàn thành đáp ứng miễn dịch và hạn chế rủi ro chưa rõ cho thai kỳ. Cụ thể:

- Nếu bạn tiêm đủ 3 mũi (theo lịch 0 - 2 - 6 tháng), thì nên mang thai sau mũi thứ 3 ít nhất 4 tuần.

- Nếu đang tiêm theo phác đồ 2 mũi thì nên đợi 1 tháng sau mũi thứ hai trước khi có thai. Tuy nhiên, phác đồ 2 mũi thường chỉ định cho nữ giới dưới 15 tuổi, nên tốt nhất là không nên mang thai.

Tiêm xong vắc xin HPV thì nên chờ bao lâu mới mang thai?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Nếu lỡ mang thai trong khi chưa tiêm xong vắc xin HPV thì sao?

Đôi khi, phụ nữ có thể vô tình mang thai trong quá trình tiêm vắc xin HPV mà không biết. Tuy nhiên cần nhớ rằng vắc xin này không được khuyến nghị tiêm trong thai kỳ. Lý do là hiện chưa có đủ nghiên cứu chứng minh độ an toàn của vắc xin HPV khi mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu - thời điểm thai nhi rất nhạy cảm. Vắc xin chứa virus bất hoạt kết hợp chất điều biến miễn dịch, tiềm ẩn rủi ro nhất định. Ngoài ra, hệ miễn dịch suy giảm ở phụ nữ mang thai cũng có thể khiến vắc xin phản ứng không như kỳ vọng và giảm hiệu quả.

Trong trường hợp phát hiện mang thai khi đã tiêm dù chỉ 1 mũi vắc xin HPV, điều cần thiết là:

- Tạm dừng các mũi tiêm còn lại.

- Không cần đình chỉ thai kỳ. Các nghiên cứu hiện tại cho thấy không có bằng chứng cho thấy vắc xin HPV gây dị tật bẩm sinh hoặc tác động xấu đến thai nhi nếu tiêm khi chưa biết có thai. Chỉ cần theo dõi sát sao hơn.

- Sau khi sinh và hết thời kỳ cho con bú, bạn có thể tiêm tiếp các mũi còn lại để hoàn thành liệu trình.

Tuy nhiên, bạn cũng không cần xét nghiệm thai trước khi tiêm, trừ khi bạn nghi ngờ mình có thai. Nếu đang trong giai đoạn dễ thụ thai, nên chủ động tránh thai bằng các biện pháp an toàn trong suốt quá trình tiêm chủng. Nếu có kế hoạch sinh con trong thời gian gần, hãy hoàn thành đủ liệu trình tiêm vắc xin HPV trước khi mang thai. Nếu đã từng nhiễm HPV hoặc đã có tổn thương cổ tử cung, bạn vẫn có thể tiêm vắc xin, nhưng nên tham khảo kỹ ý kiến bác sĩ trước khi mang thai.

Chiến My

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày