Nhà bếp là nơi nồng đượm hương vị cuộc sống, là "căn cứ" chế biến ẩm thực, cũng là “sân khấu” và “chiến trường” của người cầm chảo. Nhưng ẩn sau khói lửa ấm cúng ấy lại tiềm tàng vô số “sát thủ sức khỏe”, ẩn mình trong không khí, dụng cụ, và “ngang nhiên” gây hại ngay trước mắt bạn.
1. Không vệ sinh/thay khăn lau bếp thường xuyên
Khăn lau bếp được sử dụng liên tục, tiếp xúc với đủ loại vết bẩn, lại có cấu trúc xốp và ẩm, chẳng khác gì “đĩa petri” nuôi cấy vi khuẩn. Một nghiên cứu ở Trung Quốc đã phát hiện 19 loại vi khuẩn, bao gồm E.coli, tụ cầu vàng, salmonella... trên 1010 chiếc khăn bếp được thu thập ngẫu nhiên.
Tác hại: Vi khuẩn có thể lây sang thực phẩm, gây tiêu chảy, đau bụng, nôn ói...
Lời khuyên:
- Luộc khăn định kỳ hoặc ngâm trong dung dịch khử trùng.
- Thay khăn ngay khi cũ, rách, mốc hoặc có mùi lạ.
- Sử dụng khăn riêng cho từng khu vực (bếp, bàn ăn, tay...).
- Không dùng tay vừa cầm khăn để chạm vào thức ăn.
- Sau khi dùng khăn nên giặt sạch, vắt khô và phơi nơi thoáng mát.
2. Không khử trùng thớt thường xuyên, dùng chung thớt cho đồ sống và chín
Thớt tiếp xúc thường xuyên với thịt sống, rau quả trong môi trường ẩm ướt, dễ phát sinh vi khuẩn, nấm mốc. Các vết cắt sâu, nông trên bề mặt là ổ chứa cặn bẩn, khó rửa sạch hoàn toàn.
Tác hại: Thực phẩm chế biến trên thớt bẩn dễ nhiễm vi sinh vật gây bệnh đường ruột. Nếu có mảnh vụn đồ ăn mốc mắc trong khe, có thể phát sinh aflatoxin, chất gây ung thư cấp độ 1.
Lời khuyên:
- Sử dụng ít nhất 2 thớt, riêng cho đồ sống và chín.
- Vệ sinh và phơi khô thớt ngay sau khi dùng.
- Khử trùng thường xuyên bằng nước sôi, baking soda hoặc giấm trắng.
- Thay thớt khi có vết nứt, cong vênh, mốc đen.
Lưu ý: Đũa tre, gỗ cũng nên khử trùng và thay định kỳ tương tự.
3. Tái sử dụng chai nhựa
Các chai nhựa (PET) dùng một lần như chai nước ngọt không chịu được nhiệt, dễ lão hóa. Nghiên cứu cho thấy tái sử dụng chai PET khiến nước chứa chất hóa dẻo (phthalates), độc hại và có khả năng tích lũy trong cơ thể, gây hại cho da, tim, gan, thận... Ngoài ra, nếu dùng để đựng đồ muối chua, môi trường axit khiến chai tiết ra kim loại antimon, chất độc có thể xâm nhập qua da hoặc tiêu hóa.
Lời khuyên:
- Dùng chai lọ thủy tinh, sành sứ hoặc inox thực phẩm để đựng gia vị, đồ muối.
- Chai nhựa phải đạt chuẩn an toàn thực phẩm.
- Không dùng lại chai từng đựng hóa chất hoặc nước ngọt.
- Dù chai chưa hỏng, vẫn nên rửa và thay định kỳ.
4. Dùng tiếp chảo chống dính bị trầy xước
Hầu hết chảo chống dính có lớp phủ PTFE (chứa fluor). Nếu lớp phủ còn nguyên thì khá an toàn. Nhưng khi lớp chống dính bị bong tróc, ở nhiệt độ >260 độ C, nó phân hủy và sinh ra PFOA, chất nghi ngờ gây ung thư. Ngoài ra, phần kim loại bên dưới (nhôm, chì...) có thể thôi nhiễm vào thực phẩm.
Lời khuyên:
- Mua chảo có chứng nhận chất lượng (theo tiêu chuẩn quốc gia).
- Không dùng muôi kim loại, búi cọ sắt để vệ sinh.
- Tránh nấu món có xương, cua... dễ làm trầy xước lớp chống dính.
- Nếu thấy lớp phủ bong tróc, nứt, hãy thay chảo ngay.
5. Dùng dầu chiên đi chiên lại
Dầu ăn đun nóng nhiều lần sẽ sinh acid béo chuyển hóa, peroxide, aldehyde, và benzopyrene đều là chất gây ung thư. Ngoài việc giảm chất lượng món ăn, loại dầu này còn tạo áp lực lên gan, ruột và mạch máu.
Lời khuyên:
- Dầu chiên nên không dùng lại quá 3 lần, lọc bỏ cặn sau mỗi lần dùng.
- Bảo quản dầu chiên đã dùng ở nơi tối, kín gió.
- Nếu dầu đổi màu nâu đậm, có mùi lạ, vứt bỏ ngay.
- Không để dầu bốc khói đen khi nấu đã vượt điểm khói, sinh độc chất.
6. Dùng máy hút mùi không đúng cách
Dù hầu như nhà nào cũng có máy hút mùi, nhưng không phải ai cũng dùng đúng cách. Khói bếp chứa hàng loạt chất gây ung thư như nitrosamine, benzopyrene, hợp chất dị vòng... Hít lâu dài có thể gây viêm đường hô hấp, ung thư phổi.
Nghiên cứu cho thấy, người thường xuyên tiếp xúc khói bếp có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 6 lần so với người không tiếp xúc, ngang với yếu tố di truyền!
Lời khuyên:
- Bật hút mùi 3-5 phút trước khi nấu, tắt máy sau khi nấu 5-10 phút.
- Chọn mức công suất phù hợp, mở hé cửa sổ để thông gió.
- Vệ sinh định kỳ: máy, khay dầu, lưới lọc mỗi 1-2 tuần; vệ sinh sâu 6-12 tháng/lần.
- Máy hút mùi nên thay sau 8 năm sử dụng, để đảm bảo hiệu quả.
Nguồn và ảnh: QQ