Theo thônng tin từ Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TP.HCM) cho biết đã nhận bé Đ.Q.H. (6 tuổi, ngụ Cái Nước, Cà Mau) bị rắn độc cắn.
Qua khai thác bệnh sử ghi nhận, cách nhập viện 4 giờ, trẻ chạy qua nhà hàng xóm chơi cầu tuột. Tuy nhiên trên đường đi qua, trẻ bị rắn lục đuôi đỏ rơi từ giàn mướp phía trên xuống, cắn vào ngón chân cái bên trái, gây đau và chảy máu.
Con rắn người nhà bắt được là rắn lục đuôi đỏ, được mang theo đến bệnh viện để bác sĩ nhận dạng
Ngay khi phát hiện vụ việc, người nhà cầm máu cho trẻ và bắt được con rắn. Sau đó, gia đình tức tốc đưa trẻ đến bệnh viện địa phương, sơ cứu cầm máu, truyền dịch rồi chuyển Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố.
Tại đây, ghi nhận trẻ sưng bầm ngón cái, bàn cổ chân trái, chảy máu thấm gạc, vẻ mặt trẻ lừ đừ, xét nghiệm biểu hiện rối loạn đông máu nặng, cùng với người nhà mang theo con rắn bắt được là rắn lục xanh đuôi đỏ. Vì vậy, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị rắn lục đuôi đỏ cắn và xử trí truyền huyết thanh kháng nọc rắn lục đặc hiệu cho trẻ.
Kết quả, tình trạng trẻ không cải thiện sau 6 giờ nên được truyền huyết thanh kháng nọc rắn lần 2. Sau 12 giờ, trẻ hết chảy máu, vết thương rắn cắn bớt sưng bầm.
Các bác sĩ khuyến cáo, vào mùa mưa, phụ huynh lưu ý phát quang xung quanh nhà tránh cho rắn, ong, côn trùng vào nhà tấn công trẻ và hướng dẫn trẻ lưu ý khi đi lại dưới ruộng cỏ lùm cây dễ bị rắn độc tấn công. Tốt nhất là mang giày ủng khi lao động, làm việc vùng đồng cỏ, ruộng vườn, tránh đi chân đất, tránh trèo cây vì cũng có thể bị rắn lục cắn hoặc nguy cơ té ngã cao.