Khoác chiếc áo blouse làm từ vải cotton, Alvise Vianello bước vào một căn phòng thí nghiệm trắng tinh. Những cỗ máy quay tít bủa vây lấy anh, trên thực tế, đang cùng làm một nhiệm vụ. Chúng phân tích các vật liệu lạ có trong mẫu đất, nước uống, nước biển, chất thải và không khí mà Vianello thu thập được.
Alvise Vianello hiện đang là một nhà nghiên cứu ô nhiễm nhựa tại Đại học Aalborg, Đan Mạch. Khi anh liếc mắt nhìn lên chiếc màn hình máy tính đang đọc kết quả, nó liên tục nhảy số vì phát hiện ra nhựa, nhựa, rất nhiều nhựa.
Vianello chẳng mảy may ngạc nhiên, anh nói hạt vi nhựa bây giờ có ở khắp mọi nơi, thậm chí ngay cả bên trong cơ thể bạn. Một khảo sát 259 mẫu nước đóng chai cho thấy trung bình mỗi lít nước uống chứa 325 hạt vi nhựa.
Nghiên cứu thực hiện tại Châu Âu cho biết, khi ăn một suất hải sản, các món từ động vật có vỏ như trai, hàu, sò…, bạn có thể nuốt vào bụng 90 hạt vi nhựa. Lượng này có thể thay đổi theo từng quốc gia, nhưng trung bình những người hay ăn hải sản, với các món từ động vật có vỏ, có thể nuốt vào 11.000 hạt vi nhựa mỗi năm.
Ngoài hải sản, nghiên cứu cho thấy bia, mật ong, thịt gà cũng là những nguồn thực phẩm chứa hạt vi nhựa. Ngay cả muối, 1 kg muối biển có thể chứa hơn 600 hạt vi nhựa. Nếu bạn ăn 5 gam muối mỗi ngày, điều này có nghĩa là bạn cũng tiêu thụ 3 hạt vi nhựa trong đó.
Nghiên cứu mới nhất của Vianello còn chứng minh một thực tế rằng:
Ngay cả khi bạn ngồi một chỗ trong nhà, phổi của bạn cũng đang lấp đầy không khí chứa lẫn những hạt vi nhựa, những mảnh vật chất siêu nhỏ bay ra từ vô số các vật dụng nhựa mà bạn đang sử dụng trong ngôi nhà của mình.
Nhà nghiên cứu Vianello và Vollertsen tại phòng thí nghiệm Đại học Aalborg
Để đưa ra kết luận, Viannello và nhóm nghiên cứu của mình đã tạo ra một ma nơ canh có thể mô phỏng lại quá trình hô hấp của con người. Anh đặt nó trong một căn hộ điển hình kiểu thành thị ở Đan Mạch.
Bên trong ma nơ canh là một cỗ máy phân tích. Nó cho thấy mỗi giờ đồng hồ trôi qua, một người ngồi im trong nhà sẽ hít vào qua mũi mình trung bình 11,3 hạt vi nhựa. Nghiên cứu này trở thành tiền đề ủng hộ cho các cuộc điều tra sâu hơn, có thể là tìm kiếm các hạt vi nhựa trong phổi người thật.
"Đó là bằng chứng đầu tiên về sự phơi nhiễm của con người với hạt vi nhựa từ hoạt động hít thở không khí trong nhà", Jes Vollertsen, một đồng nghiệp và đồng tác giả nghiên cứu với Vianello đến từ Đại học Aalborg cho biết.
Từ lâu, các nhà khoa học đã biết hạt vi nhựa có thể làm hỏng các mô phổi, dẫn đến hen suyễn, ung thư và nhiều vấn đề sức khỏe khác. Hơn nữa, những hạt này thường mang theo nhiều chất hóa học độc hại, có thể làm rối loạn hooc-môn trong cơ thể con người.
Một nghiên cứu kéo dài nhiều thập kỷ cho thấy những công nhân ngành dệt và sản xuất nhựa có nguy cơ mắc rất nhiều bệnh đường hô hấp. Một nghiên cứu gần đây cho thấy hạt vi nhựa có lẫn trong nguồn cung cấp thực phẩm tại Mỹ, và có thể được tìm thấy trong phân người.
Điều đó chứng tỏ con người đang ăn và uống, nạp vào cơ thể minh những hạt nhựa độc hại này mà không biết. Họ cũng có thể đang hít thở chúng.
Con ma nơ canh trong thí nghiệm
Một buổi chiều làm việc tại trường đại học, Vollertsen và Vianello đã cùng ngồi lại với nhau để phân tích các thí nghiệm của mình: Tại thành phố nhỏ Aarhus, Đan Mạch, họ đã tuyển chọn 3 sinh viên tốt nghiệp sống trong 3 căn hộ giống hệt nhau. Những sinh viên này sẵn sàng chia sẻ không gian của họ với một ma nơ canh đặc biệt trong 3 ngày.
Các nhà khoa học đặt con ma nơ canh gắn máy ngồi ở bàn bếp của họ, điều chỉnh nhiệt độ bề mặt của chúng và nhịp thở để mô phỏng lại sự hô hấp của con người. Suốt 3 ngày liên tục trong 3 căn hộ, con ma nơ canh hít vào và thở ra bằng một máy nén khí thông vòi ra bên ngoài lỗ miệng.
Hệ thống đường ống trong cơ thể nó được lắp lưới bạc mịn để lọc các hạt vật chất có trong không khí mà nó hít vào. Các nhà khoa học đã sử dụng phần mềm để xác định và phân tích các hạt họ thu được trên lưới. Kết quả có thể cho họ biết có hạt vi nhựa trên đó hay không, và nếu có, đó là loại nhựa nào, chẳng hạn như nylon và polyetylen?
Trên màn hình, Vianello kéo ra một số kết quả, trong đó có một bản đồ màu mã hóa cho tất cả các loại hạt vật chất mà ma nơ canh đã hít phải. Thống trị bản đồ đó là các đốm màu xám nhạt, đại diện cho protein, trong trường hợp này phần lớn và có thể đoán được là các tế bào da chết.
Một ít các đốm và dây màu xám đen chỉ ra sự tồn tại của các vật chất từ thực vật. Xen kẽ vào giữa các đốm màu xám là một loạt chấm đủ màu sắcđại diện cho hàng chục loại hạt và sợi nhựa. Kết quả cho thấy con người có thể đang hít vào rất nhiều tế bào da chết, một số ít vật chất có nguồn gốc thực vật và một lượng hạt vi nhựa đáng ngạc nhiên.
Hàng chục loại hạt và sợi nhựa được phát hiện ra trong ma nơ canh
"Tùy thuộc vào mật độ, kích thước và hình dạng của chúng, các hạt và sợi [vi nhựa] có thể xâm nhập sâu vào phổi và gây viêm mạn tính", Joana Correia Prata, nghiên cứu sinh tại Đại học Aveiro, Bồ Đào Nha, cho biết.
Thông qua công việc của mình, Prata đã nhấn mạnh rằng chúng ta cần thực hiện một nghiên cứu có hệ thống để xem xét những ảnh hưởng sức khỏe có thể xảy ra khi con người hít phải các hạt vi nhựa trong không khí.
"Các nghiên cứu về sự phơi nhiễm nghề nghiệp với nồng độ hạt vi nhựa cao trong không khí, chẳng hạn như trong ngành dệt tổng hợp, đã phát hiện công nhân mắc nhiều vấn đề về hô hấp", cô nói. "Tuy nhiên, sự phát triển của bệnh tật bắt nguồn từ phơi nhiễm mạn tính với hạt vi nhựa có nồng độ thấp trong không khí trong nhà vẫn chưa được xem xét".
Trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã xác định được sự hiện diện của các hạt nhựa trong không khí trong nhà cũng như ngoài trời. Nhưng các nghiên cứu này chỉ dựa vào thiết bị hút chân không hoặc thu bụi trong khí quyển tìm kiếm các hạt vi nhựa.
Nghiên cứu của Vianello và Vollertsen là lần đầu tiên một ma nơ canh mô phỏng hoạt động hô hấp của con người được sử dụng để chứng minh rằng con người đang hít phải những hạt vi nhựa. Đến giờ, đó là phương pháp phân tích chính xác và hợp lý nhất.
Các nhà nghiên cứu cho rằng kết quả này cho thấy sự cần thiết của việc tiến xa hơn, có thể bắt đầu bằng việc đi tìm các hạt vi nhựa trong phổi của người chết, sau đó là người sống.
Vianello và Vollertsen cho biết họ đã nói chuyện với một số nhà nghiên cứu tại bệnh viện Đại học Aalborg để hiện thực hóa ý tưởng này. "Khảo sát và phân tích hạt vi nhựa vẫn là một lĩnh vực nghiên cứu sơ khởi", Vollertsen nói.
"Bây giờ chúng ta đã có đủ bằng chứng cho thấy chúng ta nên bắt đầu tìm kiếm các hạt vi nhựa bên trong đường hô hấp của con người".
Tham khảo Vice